Tổ đại biểu số 16 bao gồm các đoàn Ninh Bình, Bắc Kạn, Đồng Tháp, Phú Yên. Dự buổi thảo luận có đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Đa số các ý kiến đều nhất trí cho rằng việc bố trí vốn trái phiếu cho cả giai đoạn 2011-2015 tối đa 225 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 45.000 tỷ đồng mỗi năm là hợp lý. Để nâng cao hiệu quả sử dụng trái phiếu, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần xây dựng nguyên tắc, tiêu chí một cách rõ rằng, cụ thể để tiến hành rà soát lại danh mục các dự án trong Nghị quyết số 881 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 40 dự án cho phép bổ sung mới trong năm 2011. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cần ban hành Nghị quyết quy định hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015; đưa nguồn vốn trái phiếu Chính phủ vào trong cân đối NSNN từ năm 2013, đồng thời sớm ban hành Luật Đầu tư công để quy định cụ thể về chế độ trách nhiệm trong việc quyết định hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ. Nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục ưu tiên bố trí vốn cho các công trình, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; các dự án đã có khối lượng hoàn thành trên 70% tổng mức đầu tư tính đến ngày 30/9/2011 và khả năng đưa vào sử dụng trong năm 2011-2012; các dự án đã khởi công thuộc lĩnh vực thủy lợi miền núi, thủy lợi đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, an toàn hồ chứa, kè biên giới; một số tuyến đường huyết mạch, quan trọng của Quốc gia đã khởi công như: đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; luồng sông Hậu, kênh Chợ Gạo...
Thảo luận về Chương trình mục tiêu Quốc gia, đa số các ý kiến đều đồng tình với đề nghị của Chính phủ về tổng mức kinh phí từ ngân sách trung ương cho 16 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 tối đa là 105,3 nghìn tỷ đồng trên tổng mức vốn đầu tư là 276,3 nghìn tỷ đồng, chưa kể chương trình 135 và 30a đã được bố trí năm 2011 là 4,1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ làm rõ về khả năng huy động các nguồn lực tài chính khác, các căn cứ, cơ sở tính toán và các cam kết trong việc huy động nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình này. Theo một số ý kiến, từ thực tiễn triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia trong giai đoạn 2006-2010 cho thấy, chi sự nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn, chi đầu tư không tương xứng với các mục tiêu đề ra. Vì vậy, đề nghị trong giai đoạn 2011-2015 cần nâng tỷ trọng chi đầu tư, giảm tỷ trọng chi sự nghiệp, rà soát, cắt giảm một số dự án thành phần có nội dung chi thường xuyên lớn nhưng hiệu quả đem lại không cao. Về danh mục các Chương trình mục tiêu Quốc gia, một số ý kiến cho rằng Chính phủ cần xem xét lại cơ cấu thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, không nên bố trí thực hiện theo nhiệm vụ của các Bộ, ngành mà cần sắp xếp theo từng lĩnh vực, từng tiêu chí vùng, miền, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, tránh trùng lặp, chồng chéo, đảm bảo được các mục tiêu đề ra.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Đoàn Ninh Bình) cho rằng nguồn vốn bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 còn tương đối thấp chỉ chiếm trên 1/3 tổng nguồn vốn của các chương trình. Vì vậy, Chính phủ cần xem xét ưu tiên cho các chương trình có sức lan tỏa lớn, tránh dàn trải, phấn tán nguồn lực trong đầu tư.
Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới là một Chương trình tổng thể với mục tiêu rộng, thời gian kéo dài, nhu cầu vốn lớn, đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng tiến hành rà soát, cân đối để bố trí nguồn vốn từ ngân sách, trong đó nên quan tâm đầu tư hệ thống kênh mương và các công trình thủy lợi đầu mối có tính liên vùng. Đồng thời có phương án cụ thể nhằm huy động các nguồn vốn khác như: vốn nước ngoài, vốn tín dụng, vốn đóng góp của nhân dân… đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, cần đổi mới chương trình dạy nghề và giải quyết việc theo hướng đầu tư theo chiều sâu, tránh hiện tượng xây dựng tràn lan các trung tâm, trường dạy nghề nhưng chất lượng không cao do thiếu hụt về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ cán bộ giáo viên, dẫn đến tình trạng người lao động được đào tạo ra nhưng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Trước đó, trong phiên họp toàn thể tại hội trường vào buổi sáng, Quốc hội đã nghe Báo cáo tổng kết Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng toàn quốc và thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.
Tin, ảnh: Quốc Khang