Thảo luận về Luật dự trữ Quốc gia (DTQG) các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình cao với sự cần thiết phải ban hành Luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động DTQG, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực DTQG, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Về tổ chức dự trữ Quốc gia (Điều 8), nhiều đại biểu cho rằng, trên thực tế, chỉ có Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có hệ thống tổ chức quản lý DTQG còn các Bộ chuyên ngành không có đơn vị DTQG mà hầu hết thuê doanh nghiệp bảo quản. Do đó, đề nghị rà soát, đánh giá tính hợp lý của cách thức tổ chức bộ máy quản lý hiện hành nhằm hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hiệu quả và phù hợp với đặc điểm của hoạt động DTQG.
Theo một số đại biểu Đinh Trịnh Hải (Đoàn Ninh Bình) việc quy định tổng mức DTQG phải tăng dần hàng năm (năm sau cao hơn năm trước) là chưa hợp lý. Bởi lẽ việc có tăng được hàng năm hay không phụ thuộc vào khả năng cân đối của NSNN trong từng thời kỳ và thực trạng tiềm lực DTQG cũng như sự cần thiết tăng cường nguồn lực DTQG tại từng giai đoạn.
Mặt khác, nếu năm nào cũng tăng mà không có điểm dừng thì rất bất hợp lý. Đề nghị nên có quy định về việc Quốc hội quyết mức DTQG giai đoạn 5-10 năm và bổ sung DTQG hàng năm. Ngoài ra, do hàng hóa DTQG có đặc thù riêng, nhất là các mặt hàng thuộc nhóm quốc phòng, an ninh, do đó nên cho phép chuyển nguồn đối với số vốn chi cho mua hàng DTQG đảm bảo tính kịp thời đáp ứng nhu cầu của đất nước trong từng thời kỳ.
Xung quanh quy định về danh mục hàng DTQG (Điều 23), một số ý kiến cho rằng, phạm vi hàng hóa được quy định trong danh mục là quá rộng và chung chung, đề nghị chỉ nên lựa chọn những mặt hàng chiến lược, rất thiết yếu phục vụ an ninh, quốc phòng và tình trạng khẩn cấp.
Đối với quy định về mua, bán hàng DTQG (Điều 37), đa số ý kiến đề nghị, để phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm tính minh bạch, công khai và lợi ích Nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan, cần thu hẹp các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu. Theo đó, chỉ áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với các trường hợp liên quan đến bí mật Quốc gia, trường hợp hãn hữu không thể áp dụng đấu thầu rộng rãi hoặc chào hàng cạnh tranh. Mặt khác, cũng cần bổ sung quy định về cơ chế giám sát việc mua, bán hàng DTQG; chế độ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong mua, bán hàng DTQG, chế tài đối với những hành vi vi phạm pháp luật về mua, bán, đấu thầu, đấu giá... tránh gây thất thoát cho NSNN.
Về dự dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, đa số ý kiến cho rằng, qua 4 năm thực hiện, cùng với quá trình vận hành của nền kinh tế, trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Luật quản lý thuế đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải sửa đổi để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.
Theo một số đại biểu việc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế là cần thiết song việc đánh giá, phân loại doanh nghiệp nếu chỉ dựa vào quyết định phân loại của cán bộ quản lý thuế có thể dẫn đến tình trạng thiếu khách quan. Vì vậy, để bảo đảm tính khách quan, chính xác trong đánh giá, xếp loại doanh nghiệp, đề nghị bổ sung quy định nhằm tạo cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá, phân loại đối tượng nộp thuế phục vụ cho quá trình áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Về nguyên tắc ấn định thuế (Khoản 3 Điều 36), theo nhiều ý kiến, các vấn đề liên quan đến cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế mới chỉ dừng ở việc nêu vấn đề và quy định những nội dung mang tính định hướng, chưa đề cập trực tiếp đến các nội dung cụ thể như nguyên tắc áp dụng, các trường hợp bắt buộc phải thực hiện cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế...
Bên cạnh đó, một số nội dung còn giao Chính phủ quy định bằng văn bản dưới luật (điều kiện, phạm vi, nguyên tắc, nội dung thực hiện) là chưa bảo đảm chặt chẽ, hợp lý. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung điều kiện, phạm vi, nguyên tắc, các trường hợp cụ thể áp dụng cơ chế này, nội dung thực hiện, biện pháp ngăn ngừa trốn lậu thuế, chế tài xử phạt... nhằm bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ trong tổ chức thực hiện. Liên quan đến quy định về xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền hoàn thuế, đại biểu Đinh Trịnh Hải cho rằng, mức xử phạt được quy định trong dự thảo luật chưa có sự phân biệt dựa trên tần suất và mức độ vi phạm, dẫn đến chưa bảo đảm công bằng, tính răn đe chưa cao. Đề nghị cần bổ sung thêm quy định về chế tài xử phạt theo hướng tăng nặng mức phạt đối với các trường hợp cố tình vi phạm, vi phạm tái diễn.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.
Tin, ảnh: Quốc Khang