Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ đại biểu số 16 bao gồm các Đoàn Ninh Bình, Bắc Kạn, Phú Yên, Đồng Tháp. Các đại biểu tập trung góp ý các vấn đề về hợp đồng lao động, tiền lương tối thiểu, an toàn lao động, lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam gia nhập tổ chức Công đoàn, chính sách đối với lao động nữ… Nhiều ý kiến cho rằng, tiền lương có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người lao động và gia đình họ cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động, đình công. Việc quy định tiền lương là thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động (Điều 92) đã thể hiện được một phần quan điểm tiền lương là giá cả sức lao động. Tuy nhiên, cần bổ sung các quy định để xác định rõ vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ quá trình thương lượng theo nguyên tắc thỏa thuận về cơ cấu tiền lương, quy định rõ các khoản thuộc về tiền lương (bao gồm cả các khoản phụ cấp, trợ cấp thường xuyên); các căn cứ để trả lương nhằm bảo vệ người lao động. Đồng thời, định kỳ các cơ quan chức năng cần phối hợp với tổ chức Công đoàn hướng dẫn, cung cấp thông tin về tiền lương làm cơ sở để các bên thỏa thuận, thương lượng nhằm đạt được mức lương hợp lý, công bằng.
Theo đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình), quy định tiền lương tối thiểu phải hướng đến mục tiêu bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, nếu chỉ quy định tiền lương tiền công xác định theo vùng thì nhiều doanh nghiệp sẽ lợi dụng lao động giá rẻ để trả mức lương tối thiểu gây khó khăn cho người lao động. Vì vậy, đề nghị Luật cần sửa đổi theo hướng quy định tiền lương tối thiểu linh hoạt và nếu trượt giá bao nhiêu thì tiền lương phải bù theo tương đương. Đối với quy định về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ (Điều 161), một số ý kiến đề nghị nên quy định linh hoạt thời gian nghỉ để phù hợp với điều kiện sống và các nhóm công việc khác nhau, thông qua việc đưa ra mức sàn tối thiểu là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ thai sản tối đa là 6 tháng, trên cơ sở đó tùy theo điều kiện mà lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời điểm thích hợp.
Về vấn đề tăng thêm giờ làm, đại biểu Lưu Thị Huyền (đoàn Ninh Bình) cho rằng, với thể chất của người lao động Việt Nam thì quy định như Bộ luật hiện hành là phù hợp không nên tăng thời gian làm thêm. Bởi lẽ khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động được nâng lên thì giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc sẽ giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và đời sống của người lao động. Bên cạnh đó, việc tăng giờ làm thêm có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng để điều chỉnh giảm bớt tiền lương trong thực tế, giảm bớt chi phí đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, tạo cơ hội cho người sử dụng lao động khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.
Nhiều ý kiến đồng tình với quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ, tuy nhiên cũng đề nghị đối với một số lao động đặc thù về trí óc thì nên có chính sách riêng.
Theo một số đại biểu việc giải quyết tranh chấp lao động giữa người sử dụng lao động với người lao động là hết sức phức tạp. Các cuộc đình công, nghỉ việc tập thể không chỉ chính quyền, cấp cơ sở vào cuộc mà cả cấp tỉnh vào cuộc mới giải quyết được. Vì vậy, đề nghị cần quy định trách nhiệm của Liên đoàn lao động tỉnh trong phối hợp giải quyết tranh chấp lao động diễn ra ở các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp. Đồng thời quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức giải quyết tranh chấp lao động để tránh đan xen, chồng chéo, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm.
Trước đó, trong phiên họp toàn thể tại hội trường vào buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tin, ảnh: Quốc Khang