Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình thảo luận ở Tổ đại biểu số 18 bao gồm các đoàn Ninh Bình, Bắc Kạn, Kiên Giang, Phú Yên. Đa số ý kiến phát biểu tại buổi thảo luận đều cơ bản nhất trí với đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và ngân sách nhà nước năm 2011. Theo đó, mặc dù tình hình KT - XH có nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều giải pháp đúng đắn, kịp thời, nhờ đó, tăng trưởng kinh tế năm 2011 đạt 5,89%, đặc biệt khu vực nông nghiệp đã tăng đến 4%, mức cao nhất trong vòng ba năm qua và cao hơn khá nhiều so với trung bình 10 năm trở lại đây; sản lượng lúa đạt 42,4 triệu tấn, tăng 2,3 triệu tấn so với năm 2010, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực Quốc gia và đóng góp đáng kể tăng tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao, góp phần vào việc giảm dần tỷ lệ nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm...
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng tỏ ra băn khoăn về một số chỉ tiêu chưa đạt được như tỷ lệ lạm phát cao, tác động lớn đến sản xuất và đời sống người dân, nhất là hộ nghèo và cận nghèo, người có thu nhập thấp. Đề nghị Chính phủ cần đánh giá sâu sắc hơn các mặt tồn tại, về từng chỉ tiêu đạt, không đạt, nguyên nhân đối với các chỉ tiêu không đạt theo kế hoạch đề ra, nhất là các nguyên nhân chủ quan để thấy rõ thực trạng, có giải pháp khắc phục.
Đối với quản lý ngân sách, có ý kiến cho rằng, mặc dù áp dụng cắt giảm chi thường xuyên 10%, chi ngân sách năm 2011 vẫn vượt 13,8% so với dự toán và hơn 28,58% so với năm 2010, trong đó chi đầu tư phát triển đã tăng 27,5% so với dự toán, chủ yếu là tăng chi đầu tư do tăng thu từ đấu giá quyền sử dụng đất. Vì vậy cần phải nâng cao chất lượng công tác lập dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước kết hợp với đảm bảo tính bền vững của các nguồn thu.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh, đoàn Ninh Bình cho rằng, trong thời gian qua, hoạt động tín dụng trong nền kinh tế diễn biến khá phức tạp, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có xu hướng gia tăng, tín dụng đen xuất hiện ở nhiều địa phương nhưng trong báo cáo bổ sung của Chính phủ chưa đề cập rõ. Đề nghị cần có đánh giá sâu sắc, cụ thể, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp đồng bộ, toàn diện nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của hệ thống tín dụng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển KT - XH năm 2012 và các năm tiếp theo. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đồng tình đối với các nhóm giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH những tháng tiếp theo, tuy nhiên tỏ ra băn khoăn về công tác tổ chức thực hiện, bởi 6 nhóm giải pháp vẫn mang tính định hướng là chủ yếu, thiếu giải pháp cụ thể. Trên cơ sở đó, kiến nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá và phân loại rõ các doanh nghiệp, đề ra giải pháp chủ động tháo gỡ khó khăn nhằm phát huy tốt hiệu quả của gói hỗ trợ trị giá 29 nghìn tỷ đồng, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, cần bổ sung các giải pháp hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, kịp thời ban hành chính sách kích cầu cho xây dựng nông thôn mới gắn với tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai, nhất là đất 313, đất ở các nông, lâm trường. Đối với nhóm giải pháp về an sinh xã hội, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm quan tâm hơn nữa đến việc tăng cường khả năng khám chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở, thông qua việc tiếp tục hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng các bệnh viện vệ tinh tại một số địa phương nhằm giảm tải cho bệnh viện ở truyến Trung ương. Theo một đại biểu, cần có đánh giá toàn diện hơn chính sách hỗ trợ của Nhà nước về thuế, về mức độ, liều lượng, thời điểm áp dụng đã được thực hiện trong năm 2011; đồng thời đánh giá, phân tích nguyên nhân dư nợ tín dụng tăng khá thấp, việc áp dụng chính sách lãi suất cho vay và nguyên nhân các doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, làm cơ sở thực hiện gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010, một số ý kiến cho rằng, nhiều chương trình mục tiêu Quốc gia không đạt, trong khi đó nguồn vốn đầu tư cho các chương trình này rất cao, vốn chuyển nguồn lớn, đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan quan lý nhằm nâng cao hiệu quả các chương trình trong thời gian tới.
Tin, ảnh: Quốc Khang