Ngày 28/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe các báo cáo, Tờ trình về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hộ tịch; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật căn cước công dân. Các đại biểu dành thời gian thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật hộ tịch và dự thảo Luật căn cước công dân.
Dự án Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này được sửa đổi, xây dựng trong bối cảnh Quốc hội vừa thông qua Hiến pháp mới. Việc xây dựng Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục tình trạng hệ thống pháp luật hiện nay quá phức tạp, cồng kềnh, nhiều hình thức văn bản pháp luật do nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Trung ương đến chính quyền cấp xã ban hành, gây khó khăn cho việc tuân thủ pháp luật; hiệu lực thi hành của các văn bản pháp luật chưa cao, thiếu tính ổn định. Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật hộ tịch trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết đa số ý kiến ĐQBH hội nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật hộ tịch như Chính phủ trình. Theo đó, Luật quy định về hộ tịch; quyền, nghĩa vụ, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; cơ sở dữ liệu hộ tịch và quản lý nhà nước về hộ tịch. Luật cũng quy định về thẩm quyền, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch, nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của Luật quốc tịch VN, Luật nuôi con nuôi.
Thảo luận về Dự thảo Luật hộ tịch, đa số ý kiến đề nghị vẫn cấp giấy khai sinh; không cấp thẻ căn cước công dân thay thế giấy khai sinh cho trẻ dưới 14 tuổi. Các đại biểu cho rằng, việc bỏ giấy khai sinh sẽ gây khó khăn cho chính công dân Việt Nam khi có những giao dịch cần chứng minh về khai sinh tại các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài, trong bối cảnh hầu hết các nước đều cấp giấy khai sinh đã trở thành thông lệ quốc tế. Đồng thời cấp giấy khai sinh còn nhằm đảm bảo các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Các đại biểu cũng nhất trí phân cấp thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho UBND cấp huyện và UBND xã. Việc phân cấp này giúp UBND cấp tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực hộ tịch tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong đăng ký hộ tịch. Đồng thời phát huy tối đa năng lực, trách nhiệm, tính năng động sáng tạo của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, dự thảo luật cần giao chính phủ có giải pháp kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại cấp huyện và công chức tư pháp hộ tịch tại UBND cấp xã.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cùng với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để đảm bảo tính tích hợp, hệ thống, tránh lãng phí, chồng chéo. Mặt khác, cần có quy định chặt chẽ việc quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu điện tử nhằm bảo mật thông tin của nhà nước và bí mật đời tư của cá nhân.
Mai Lan