Thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, nhiều đại biểu đánh giá kế hoạch được chuẩn bị rất công phu, có sự tham gia của nhiều chuyên gia, có tính khoa học và thực tiễn cao, có nhiều điểm mới cả về tư duy, cách tiếp cận và định hướng chính sách.
Kế hoạch tái cơ cấu lần này đã chú trọng phân vai trò rõ ràng, đó là vai trò của chính sách ở nhà nước kiến tạo, vai trò của doanh nghiệp bao gồm các ngân hàng và thị trường tài chính, thị trường lao động chịu trách nhiệm tái cơ cấu.
Bên cạnh đó, kế hoạch tập trung và điều chỉnh phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực để nguồn lực cho nền kinh tế chảy theo tín hiệu thị trường. Qua đó, tạo sự cạnh tranh công bằng và minh bạch.
Đồng tình với mục tiêu tổng quát tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đó là: thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển, qua đó thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn và bảo đảm tăng trưởng xanh, sạch, bền vững.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, người dân rất cần việc tăng trưởng phải gắn với việc phát triển ổn định về mặt môi trường với một tầm nhìn dài hạn. Do đó, đại biểu đề nghị mục tiêu phải đặt ra rõ việc tái cơ cấu kinh tế để đưa nền kinh tế của nước ta tạo được thế chủ động, thế độc lập, thế tự do không phụ thuộc vào một nền kinh tế lớn khác.
Các đại biểu cũng đề nghị, mục tiêu tối thiểu nhất của việc tái cơ cấu kinh tế đó là phải đem lại chất lượng sống, đem lại phồn thịnh, hạnh phúc cho người dân.
Ngoài việc đồng tình với kế hoạch tái cơ cấu kinh tế được xây dựng trên hai trụ cột: đẩy mạnh quản lý nhà nước và tái cơ cấu ngành kinh tế và vùng kinh tế, một số đại biểu đề nghị góp thêm một trụ cột là nữa là: xác lập cộng đồng doanh nghiệp là đối tác của Chính phủ, là chủ lực, nòng cốt trong việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Với ba trụ cột này sẽ đảm bảo cho việc tái cơ cấu kinh tế thành công.
Các đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ cần mạnh dạn thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại những doanh nghiệp thực sự cần thiết liên quan đến an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh phúc lợi.
Thoái vốn sẽ giúp nhà nước thế vốn nhà nước bằng vốn tư nhân, hiện nay vốn trong dân, trong ngân hàng nhiều nhưng thiếu cơ hội đầu tư. Do đó, để đảm bảo hiệu quả đồng vốn thu được một mặt chúng ta thoái vốn để tạo điều kiện cho vốn tư nhân thay thế, một mặt khác Chính phủ nên ưu tiên dùng tiền đó cho đầu tư hạ tầng và phát triển nhân lực là một trong hai khâu trọng tâm đột phá trong nhiệm kỳ.
Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị đề án tái cơ cấu kinh tế nên bổ sung các mục tiêu sau giai đoạn 2020 để có sự đột phá về tái cấu trúc mạnh hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.
Thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, các đại biểu cho rằng năm 2016 Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Tuy nhiên, các đại biểu chỉ ra một số hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục, như: vấn đề nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả, quản lý, sử dụng tài sản công lãng phí là mối quan ngại của nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội.
Do vậy, đại biểu đề nghị năm 2017, Quốc hội không chỉ siết chặt nợ công mà còn giao cho Chính phủ phải phấn đấu làm giảm nợ công. Theo đó, phải giao cả cận trên lẫn cận dưới của giai đoạn 2016 - 2020
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục tạo chuyển động mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong bộ máy thực thi công vụ, kể cả Trung ương và địa phương, làm chuyển biến mạnh mẽ, căn bản về nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức khi thực thi công vụ.
Một số đại biểu cũng cho rằng, mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vùng dân tộc miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cần phải tập trung cao độ để giải quyết nhằm đảm bảo quyền phát triển của các dân tộc thiểu số.
Các đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét để có chính sách phù hợp, không để khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc, khoảng cách phát triển giữa các khu vực ngày càng xa...
Trong phiên thảo luận, các Thành viên Chính phủ: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Mai Lan