Đa số ý kiến bày tỏ đồng tình cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật phá sản nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho quá trình thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, HTX. Về đối tượng áp dụng, một số ý kiến cho rằng cần phải mở rộng đối tượng áp dụng của dự thảo Luật Phá sản đối với hộ gia đình có đăng ký kinh doanh, tổ hợp tác, các Trường Đại học tư thục, Trường Cao Đẳng tư thục được thành lập theo Luật Giáo dục; các Tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập được thành lập theo Luật Khoa học công nghệ, các quỹ đầu tư, trung tâm hoạt động kinh tế, công ty chứng khoán, bảo hiểm… nếu lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn thì giải quyết theo thủ tục phá sản.
Bởi lẽ việc điều chỉnh các đối tượng này là phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến nghị số 8, 9 của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc. Liên quan đến thẩm quyền của Tòa án (Điều 10), nhiều đại biểu cho rằng, việc giải quyết phá sản thường rất phức tạp, vừa giải quyết các yêu cầu đòi nợ vừa giải quyết các tranh chấp liên quan đến các khoản nợ và con nợ nên vụ việc phá sản thường được coi là "siêu vụ án", đòi hỏi Thẩm phán giải quyết phá sản phải là những người có chuyên môn sâu, có trình độ, kiến thức nhất định về doanh nghiệp, HTX và hoạt động kinh doanh.
Do đó, đề nghị với cơ cấu Thẩm phán chuyên trách của Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh hiện nay thì dự thảo nên giao cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết thủ tục phá sản. Ý kiến khác lại cho rằng nếu chỉ giao cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết thủ tục phá sản thì sẽ dẫn đến quá tải, thời gian giải quyết kéo dài, nhất là ở những địa phương có nhiều doanh nghiệp như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, cần nghiên cứu giao cho Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý, giải quyết phá sản đối với một số doanh nghiệp, HTX nhỏ và vừa.
Theo một số đại biểu, dự thảo quy định về trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh trong công ty hợp danh và chủ doanh nghiệp tư nhân là hợp lý. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chất nhân đạo của pháp luật phá sản và phù hợp với thông lệ quốc tế, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định nhằm xác định những tài sản của các thành viên hợp danh trong công ty hợp danh và chủ doanh nghiệp tư nhân được miễn trừ khỏi tài sản của doanh nghiệp bị phá sản (bao gồm đồ dùng sinh hoạt tối thiểu, trợ cấp cho cá nhân, tiền lương hưu …).
Xung quanh quy định về thủ tục thương lượng trước khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nhiều đại biểu cho rằng thương lượng là hoạt động cần thiết nhằm tạo điều kiện cho chủ doanh nghiệp, HTX có cơ hội tái cơ cấu, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị dự thảo cần có quy định cụ thể về trách nhiệm, nội dung, phạm vi, thời hạn tiến hành thương lượng để tránh xảy ra việc tẩu tán tài sản. Ngoài ra để tránh gây bất bình đẳng giữa các chủ nợ, nên bổ sung quy định thương lượng không phải là thủ tục bắt buộc hay là điều kiện để Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Theo một số đại biểu, việc quy định cấm đảm nhiệm chức vụ sau khi doanh nghiệp, HTX bị tuyên bố phá sản đối với người quản lý những loại hình doanh nghiệp, HTX có vốn nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện hoặc lĩnh vực công ích nhà nước là hợp lý và cần thiết. Bởi lẽ quy định này không chỉ góp phần nâng cao trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp đối với đối tác và nền kinh tế mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người đã và đang quản lý các loại hình doanh nghiệp đặc thù này.
Về thứ tự phân chia tài sản khi tuyên bố phá sản (Điều 50), đa số ý kiến bày tỏ nhất trí cao với quy định phân chia tài sản như dự thảo, tuy nhiên đề nghị xem xét lại thứ tự ưu tiên quy định tại các điểm d, Khoản 1 trước điểm đ, Khoản 1. Vì theo quy định tại Điều 4 chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với mục đích đầu tiên là thu về khoản nợ của mình, nếu quy định các khoản nợ này được xếp sau các khoản nợ nghĩa vụ đối với Nhà nước thì sẽ hạn chế động lực nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ. Ngoài ra ban soạn thảo nên nghiên cứu bổ sung quy định đối với công ty cổ phần thì cổ đông có cổ phiếu ưu đãi được quyền chia trước.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể ở hội trường thảo luận ở về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.
Quốc Khang