Hầu hết các ý kiến đều đồng tình cao với sự cần thiết phải ban hành Luật nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Pháp lệnh BV&KDTV năm 1993; góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác BV&KDTV, ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực.
Đồng thời tập trung thảo luận nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về BV&KDTV; thu gom và tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; trách nhiệm của nhà sản xuất và người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
Về tổ chức hệ thống cơ quan chuyên ngành BV&KDTV, nhiều đại biểu cho rằng, trong điều kiện nước ta đang phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa thì vấn đề kiểm soát dịch bệnh thực vật, bảo đảm an toàn thực phẩm trở nên hết sức quan trọng.
Do vậy, ngoài hệ thống các cơ quan thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành về BV&KDTV từ trung ương đến cấp huyện, Dự thảo cần quy định rõ đối với các xã có tỷ trọng nông nghiệp lớn phải có cán bộ chuyên trách làm công tác BV&KDTV. Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng, việc quy định như vậy sẽ làm tăng thêm biên chế ở cấp cơ sở, trong khi cấp xã cần rất nhiều việc liên quan đến nông nghiệp khác như chăn nuôi, thú ý, trồng trọt hoặc lâm nghiệp ở các xã miền núi. Kiến nghị nên giao cho cán bộ khuyến nông làm kiêm thêm công tác BV&KDTV, biên chế sẽ do HĐND tỉnh quyết định tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của từng địa phương.
Liên quan đến điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của tổ chức cá nhân, nhiều đại biểu cho rằng thực trạng kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc BVTV, kích thích sinh trưởng độc hại tràn lan hiện nay một phần là do các chủ cơ sở kinh doanh thiếu trình độ, không hiểu biết đầy đủ về mức độ nguy hại của một số loại thuốc kích thích tăng trưởng.
Trong khi đó đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và đòi hỏi một số yêu cầu hết sức nghiêm ngặt, do đó đề nghị Dự thảo cần quy định rõ chủ cở sở buôn bán thuốc và người trực tiếp bán thuốc BVTV phải có trình độ trung cấp nông lâm nghiệp trở lên.
Về điều kiện của cơ sở sản xuất buôn bán thuốc BVTV, một số ý kiến đề nghị ngoài quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán BVTV phải đáp ứng được những yêu cầu về cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực, cần bổ sung thêm quy định địa điểm sản xuất thuốc phải bảo đảm khoảng cách an toàn cho khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi gần các nguồn nước... nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân và môi trường.
Theo một số đại biểu, việc Dự thảo quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố bố trí kinh phí cho việc thu gom, xử lý bao gói chứa thuốc BVTV sau sử dụng, thuốc vô chủ, không rõ nguồn gốc là không khả thi trong thực tế, gây khó khăn cho ngân sách địa phương.
Do vậy, bên cạnh hỗ trợ từ ngân sách cần có quy định các nhà sản xuất thuốc, kể cả các nhà sản xuất sang chai, đóng gói đại lý cấp 1 phải có trách nhiệm trích một khoản kinh phí xây các bể thu gom xử lý vỏ thuốc bảo vệ thực vật để tăng thêm trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV trong công tác thu gom xử lý thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.
Ngoài ra cũng nên bổ sung quy định nhằm khuyến khích nhà sản xuất sử dụng loại bao bì dễ tái chế, tái sử dụng để giảm bớt chi phí thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng.
Đối với quy định về phạm vi và trách nhiệm quản lý Nhà nước về BV&KDTV, nhiều vị đại biểu đề nghị, cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.
Quốc Khang