Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật tổ chức chính quyền địa phương. Việc ban hành Luật tổ chức chính quyền địa phương không chỉ nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của Luật tổ chức HĐND và Ủy ban nhân dân (UBND) sau 11 năm thi hành, mà còn nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp và chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương. Nội dung tổ chức chính quyền địa phương nhận được nhiều góp ý của đại biểu Quốc hội. Các đại biểu cho rằng, đây là vấn đề hệ trọng của quốc gia, nên cần thảo luận, cân nhắc thận trọng. Dự thảo đưa ra 2 phương án: phương án 1 ở đơn vị hành chính quận, phường chỉ tổ chức UBND, không tổ chức HĐND. Phương án 2: Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; xã, phường, thị trấn.
Đa số đại biểu đánh giá việc đưa ra 2 phương án có hay không có HĐND cấp quận, phường tại Dự án luật đều chưa có căn cứ phân tích rõ ràng. Vì vậy Ban soạn thảo cần làm rõ những luận cứ khoa học mang tính thuyết phục hơn.
Bên cạnh việc đồng tình với phương án 2, cũng có đại biểu cho rằng nên để phương án một, theo đó, nên lựa chọn phương án ở đô thị chỉ có duy nhất một cấp chính quyền vì đặc điểm dân đô thị đông nhưng chủ yếu là người nhập cư với các thành phần khác nhau, phong tục tập quán, văn hóa khác nhau, các liên kết dân cư và liên kết cộng đồng lỏng lẻo hơn dân cư ở các làng xã ở vùng nông thôn.
Do đặc điểm lao động đô thị kinh tế chủ yếu là công nghiệp, dịch vụ và hình thành các trung tâm thương mại, công nghiệp dịch vụ tài chính, ngân hàng cùng với mạng lưới hạ tầng khoa học kỹ thuật đan xen, xuyên suốt phi địa bàn. Việc phân định địa giới hành chính nội vùng đô thị chỉ có tính chất ước lệ, không có ý nghĩa về kinh tế, xã hội đầy đủ như ở vùng nông thôn…
Chiều nay, Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); biểu quyết thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và các Nghị quyết thi hành các Luật này.
Các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật.
Mai Lan