Thảo luận về Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), đa số biểu tán thành sự cần thiết của việc sửa đổi dự thảo luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng An ninh, góp phần động viên công dân tích cực tham gia nghĩa vụ quân sự, đảm bảo công bằng xã hội. Từ đó, cụ thể hóa điều 45 của Hiến pháp, công dân phải thực hiện nghĩa vụ công dân trong việc bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị: Việc sửa đổi cần có những quy định cụ thể đảm bảo sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, vì thực tế hiện nay số lượng công dân nhập ngũ rất ít, đây cũng là vấn đề được đặt ra trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 2013.
Về chế độ chính sách cho binh sỹ, hạ sỹ quan tại ngũ và hạ sỹ quan, binh sỹ dự bị, đại biểu đề nghị: Trong quá trình thực hiện cần có hướng dẫn cụ thể nhất là những chính sách mang tính định hướng, như ưu tiên trong tuyển sinh, cộng điểm cho công chức viên chức và ưu tiên sắp xếp việc làm cho quân nhân sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, Nhà nước cần tăng mức phụ cấp hàng tháng đối với các đối tượng này. Bởi vì thanh niên nhập ngũ và tập trung huấn luyện cần được tính thời gian lao động công tác hơn nữa đây lại là lĩnh vực lao động đặc biệt.
Nhấn mạnh đến việc Dự án Luật cần thể hiện rõ hơn theo tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013, để phù hợp với yêu cầu kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Một số đại biểu đề nghị: Chính sách nghĩa vụ quân sự phải bảo đảm thực hiện phương châm vừa xây dựng lực lượng thường trực chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, vừa xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu; đặc biệt động viên được thanh niên hăng hái phục vụ trong quân đội và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân để bảo đảm công bằng xã hội.
Thảo luận về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đã có 17 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung: Vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức của Chính phủ; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Việc phân định thẩm quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương; Bảo đảm bình đẳng giới trong dự thảo Luật; tỷ lệ, số lượng thành viên nữ trong Chính phủ; số lượng cấp phó trong các cơ quan của Chính phủ; Về sự phối hợp liên bộ; mối quan hệ giữa Chính phủ với Chủ tịch nước, Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trật Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội…
Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam với 404/409 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành.
Mai Lan