Ngày 5/11, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu làm việc tại hội trường, nghe một số báo cáo, tờ trình Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.
Theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Đào Trọng Thi trình bày về Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến cho thấy, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi của Luật. Trên cơ sở tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho đổi tên thành Luật Giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đặc biệt là việc sửa đổi này cũng nhận được sự đồng thuận cao của Chính phủ.Báo cáo thẩm tra cũng cho thấy, có nhiều kiến nghị về việc cần có sự quản lý thống nhất và sự hợp nhất các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở hợp nhất của trung cấp nghề do Bộ GD-ĐT quản lý và trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề nghiệp do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, đã được chỉnh lý với nhiều nội dung đổi mới. Phát biểu thảo luận, nhiều vấn đề như: tên Luật; việc mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật; việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp… đã được các đại biểu Quốc hội phân tích, làm rõ.
Cũng trong ngày, các đại biểu tiến hành thảo luận ở tổ về Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Mai Lan