Đồng thời biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.
Theo đó, với 449 số phiếu tán thành (chiếm 91,08% tổng số đại biểu), Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Theo Nghị quyết, thị thực điện tử là loại thị thực do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài đang ở nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam. Thị thực điện tử được cấp qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị nhập cảnh một lần, thời hạn không quá 30 ngày.
Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử phải có hộ chiếu và không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử, sau khi nhập cảnh Việt Nam, nếu đề nghị cấp thị thực mới thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử là 2 năm, kể từ ngày 01/02/2017. Quốc hội giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; đồng thời, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm 2018.
Đối với các trường hợp người nước ngoài đề nghị cấp thị thực không phải là thị thực điện tử sẽ thực hiện theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, với 410 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 83,16%, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư số 67/2014/QH13.
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ khối doanh nghiệp này phát triển là rất quan trọng.
Tuy nhiên, theo một số đại biểu, Luật Hỗ trợ DNNVV cũng cần bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt các thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ.
Do vậy, cần tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp lớn phát triển, trong đó, có sự gắn kết chặt chẽ giữa DNNVV với các doanh nghiệp lớn tạo thành chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng chứ không nên cắt khúc chỉ hỗ trợ cho DNNVV.
Trong phiên họp, các đại biểu cũng cho ý kiến về: nguyên tắc hỗ trợ DNNVV (Điều 5); hỗ trợ tiếp cận tín dụng (Điều 9 và Điều 10); hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh (Điều 12); hỗ trợ tham gia mua sắm công (Điều 15); nguồn vốn hỗ trợ DNNVV (Điều 37, Điều 38)...
Buổi chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Cũng trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội tiến hành họp riêng để biểu quyết thông qua Nghị quyết dừng thực hiện Chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Mai Lan