Đa số ý kiến đều thống nhất cho rằng, dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, chất lượng, các nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với chủ trương đổi mới của Đảng, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã kế thừa và luật hóa nhiều quy định từ Nội quy kỳ họp Quốc hội, các Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Đối với các quy định về Quốc hội tại Chương I, một số ý kiến cho rằng, Hiến pháp đã quy định rõ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhiệm kỳ của Quốc hội nên nhiệm vụ của Luật tổ chức Quốc hội là phải cụ thể hóa các quy định này của Hiến pháp. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật vẫn còn một số quy định chỉ nhắc lại quy định của Hiến pháp mà chưa được chuyển hóa thành các nội dung chi tiết, cụ thể hơn. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể các nội dung này.
Về số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đa số ý kiến tán thành với việc quy định tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách tối thiểu là 35% tổng số đại biểu Quốc hội để bổ sung đại biểu hoạt động chuyên trách làm việc ở Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, phù hợp với chủ trương cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Liên quan đến quy định về cơ chế, điều kiện bảo đảm hoạt động cho đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, để đại biểu Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của người đại diện cho nhân dân, bên cạnh bản thân mỗi đại biểu phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của người đại biểu thì cần phải có các cơ chế bảo đảm cần thiết, hỗ trợ cho hoạt động của đại biểu Quốc hội như cung cấp đầy đủ thông tin, có trợ lý, thư ký giúp việc và được bảo đảm kinh phí hoạt động. Có như vậy mới khắc phục được phần nào tình trạng đại biểu Quốc hội phải "hoạt động chay", "tự thân vận động" như hiện nay.
Mặt khác, để bảo đảm đại biểu Quốc hội thực sự là người đại diện của nhân dân, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với Quốc hội, thì cũng cần có thêm các quy định gắn trách nhiệm của đại biểu với cử tri, trước hết là cử tri tại nơi đã bầu ra đại biểu.
Do đó, đề nghị ngoài việc bổ sung các quyền cho đại biểu Quốc hội, dự thảo cần có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình; đặc biệt là các quy định nhằm hạn chế tình trạng hành chính hóa hoạt động của cơ quan dân cử, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến quyết định của đại biểu Quốc hội.
Về cơ cấu, tổ chức của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có ý kiến đề nghị tăng cường tính chuyên trách, thường xuyên của Ủy ban thường vụ Quốc hội và nên quy định không phải tất cả các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội mà chỉ một tỷ lệ nhất định trong số này là thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Quy định như vậy sẽ phù hợp với tính chất công việc và bảo đảm hiệu quả hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng như bản thân Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Về việc nâng các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội thành Ban thuộc Quốc hội, một số ý kiến đề nghị chuyển Ban dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội thành Ủy ban dân nguyện của Quốc hội.
Bởi lẽ việc thành lập một Ủy ban của Quốc hội phụ trách lĩnh vực dân nguyện sẽ góp phần tạo sự gắn kết hơn giữa cử tri với Quốc hội. Ủy ban này sẽ thực hiện các nhiệm vụ thẩm tra, giám sát, kiến nghị độc lập như các Ủy ban khác của Quốc hội, do đó sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong công tác tiếp công dân của Quốc hội và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo.
Tuy nhiên, ý kiến khác lại băn khoăn vì cho rằng cơ quan này không thể làm thay nhiệm vụ của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội trong việc tiếp công dân và xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hơn nữa, trách nhiệm chủ yếu của Ban dân nguyện là tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý cụ thể các đơn thư khiếu nại, tố cáo nên tính chất và hoạt động của Ban này rất khó phù hợp với tính chất, hoạt động tập thể của Ủy ban của Quốc hội.
Về Đoàn đại biểu Quốc hội, có ý kiến đề nghị quy định Đoàn đại biểu Quốc hội là một cơ quan của Quốc hội, có nhiệm vụ, quyền hạn và kinh phí độc lập để tăng cường vị thế của Đoàn, hỗ trợ tốt hơn cho đại biểu Quốc hội trong điều kiện phần lớn đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm.
Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng, quy định Đoàn đại biểu Quốc hội là hình thức tổ chức hoạt động của các đại biểuQuốc hội cùng được bầu trong một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như dự thảo là phù hợp thực tế hoạt động của các Đoàn. Ngoài ra cần phải quy định rõ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là cơ quan giúp việc, phục vụ các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội ở địa phương.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Quốc Khang