Đa số ý kiến đánh giá cao những giải pháp Chính phủ đã thực hiện nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 có nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã kiên trì điều hành các chính sách kinh tế theo mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội, kịp thời ban hành nhiều giải pháp đúng đắn, kịp thời. Nhờ đó các cân đối lớn bảo đảm, hầu hết các thị trường hoạt động khá ổn định, nguồn kiều hối tăng mạnh, ngoại tệ thặng dư lớn đã gia tăng dự trữ ngoại hối. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội bảo đảm; các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được triển khai đồng bộ…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế nước ta phát triển chưa bền vững và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Hiện nay các doanh nghiệp (DN) vẫn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhiều DN nghiệp ngừng sản xuất ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của người lao động.
Do vậy, đề nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các DN ổn định sản xuất, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho DN trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Nhân rộng mô hình kết nối DN và các ngân hàng thương mại đang triển khai hiệu quả ở thành phố Hồ Chí Minh, thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa các tổ chức tín dụng và hiệp hội ngành, nghề, cộng đồng DN.
Đồng thời tăng cường hướng dẫn và quản lý chặt chẽ xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường tiểu ngạch tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam với các nước láng giềng bảo đảm thông suốt và an toàn tài sản của DN và người dân; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và sản xuất trong nước.
Trước những diễn biến phức tạp tại biển Đông, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần chủ động mở rộng thị trường đầu tư, hợp tác, tham gia các khuôn khổ hợp tác mới, xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ, tránh tình trạng lệ thuộc vào một thị trường.
Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ nên cân đối lại nguồn lực, giãn, hoãn các công trình chưa thật cần thiết để ưu tiên cho đảm bảo quốc phòng an ninh, đặc biệt là cần ban hành ngay những chính sách thỏa đáng cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo, những người đang đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển của Tổ quốc.
Tiếp tục khơi dậy, phát huy lòng yêu nước của nhân dân, bằng nhiều hình thức quyên góp, tiết kiệm tạo nguồn lực tài chính cùng với ngân sách nhà nước đầu tư cho quốc phòng, an ninh; động viên, hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu, thuyền công suất lớn vươn khơi, bám biển.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần dự báo những tác động về kinh tế - xã hội sau sự kiện Trung Quốc đặt hạ trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam, để có các giải pháp ứng phó kịp thời, nhất là phải chủ động nguồn hàng hóa, nguyên liệu, máy móc, thiết bị và thị trường tiêu thụ, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Đề cập kết quả phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, một số đại biểu cho rằng, trong bối cảnh giá nông sản luôn có xu hướng giảm, trong khi giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp liên tục tăng, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nhất là các giải pháp đầu tư vào khoa học công nghệ nhằm chủ động nguyên liệu, vật tư đầu vào; bổ sung thêm một số chính sách hỗ trợ liên kết, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đánh bắt thủy, hải sản, nuôi cá tra, cá ba sa... Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư cho ngư dân, nhất là đầu tư phát triển các đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ.
Điều này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả trong khai thác hải sản, nâng cao đời sống ngư dân mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trên lĩnh vực xã hội, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tập trung xử lý những bất cập về giáo dục, y tế, nâng cao chất lượng giáo dục theo Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách người có công và bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ các địa bàn nghèo, chương trình đào tạo nguồn lực lao động nông thôn.
Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tập trung chỉ đạo, phối hợp giải quyết đúng quy định pháp luật các vụ việc có liên quan đến an ninh, trật tự. Cung cấp đầy đủ và kịp thời tình hình biển Đông để tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao tinh thần yêu nước, cảnh giác với luận điệu xấu, không manh động, bị kẻ xấu lôi kéo có những hành động vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến chính sách kêu gọi đầu tư và hình ảnh, uy tín của đất nước và nhân dân ta.
Quốc Khang