Nhiều đại biểu đồng tình với quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc để đẩy nhanh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân. Bên cạnh đó, tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn vì lợi ích chăm sóc sức khỏe cho người dân, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, như các quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; quy định về bắt buộc chữa bệnh đối với người mắc bệnh tâm thần thể nặng, bệnh lao, phong đang thời kỳ lây truyền, bệnh lây truyền qua đường sinh dục và một số bệnh truyền nhiễm khác có thể gây nguy hại cho xã hội trong Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân... Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung cơ chế tham gia BHYT phải theo hộ gia đình để khắc phục tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, đồng thời quy định giảm trừ mức đóng BHYT để cả hộ gia đình có thể tham gia BHYT. Theo một số đại biểu, dự thảo luật cần phải quy định cụ thể việc phân bổ và sử dụng quỹ BHYT cho các hoạt động của BHYT, kể cả tuyên truyền, quản lý, phát triển BHYT mở rộng mạng lưới bao phủ để tiến tới BHYT toàn dân. Ngoài ra cần quy định rõ tỷ lệ phân bổ phần kết dư quỹ BHYT cho địa phương có kết dư nhằm khuyến khích việc tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT, hạn chế lạm dụng quỹ BHYT ở các tỉnh; đồng thời gắn trách nhiệm của chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nếu để quỹ BHYT bị bội chi.
Về quy định giảm mức cùng chi trả đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng, sau 4 năm triển khai Luật BHYT, việc thực hiện cùng chi trả đã dần ổn định, góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc, dịch vụ y tế và bảo đảm an toàn quỹ BHYT. Tuy nhiên, khi người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo gặp nhiều khó khăn khi phải cùng chi trả 5% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, nhất là những trường hợp bị bệnh nặng, điều trị kéo dài, chi phí lớn. Vì vậy đề nghị dự thảo cần quy định quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người thuộc hộ nghèo, người đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Ý kiến khác cho rằng chỉ nên quy định quỹ BHYT chi trả 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT (cùng chi trả 5% bằng mức cùng chi trả đối với đa số thân nhân của người có công với cách mạng) đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn nhằm hạn chế sự lạm dụng của các cơ sở y tế, đồng thời góp phần hạn chế sự ỷ lại của hộ nghèo (vì ngân sách nhà nước đã hỗ trợ 100% mức đóng BHYT, đã giảm mức cùng chi trả còn 5% trong khi các đối tượng khác là 20%). Một số ý kiến bày tỏ băn khoăn với quy định hạ mức hưởng khi khám trái tuyến ở bệnh viện Trung ương từ 30 xuống 20%. Bởi lẽ việc vượt tuyến của người bệnh có yếu tố khách quan cấp bách, vì vậy đề nghị quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh vượt tuyến tại bệnh viện tuyến Trung ương là 30% để tránh thiệt thòi cho người bệnh.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).
Quốc Khang