Đa số ý kiến đều bày tỏ đồng tình cao với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GTĐTNĐ nhằm tạo cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phối hợp cùng chính quyền các địa phương tổ chức sắp xếp bộ máy quản lý cho phù hợp và đưa hoạt động giao thông đường thủy nội địa phát triển ổn định, an toàn, hiệu quả. Về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, đa số ý kiến cho rằng cần phải chỉnh sửa lại các khái niệm"Đường thủy nội địa", "Luồng chạy tàu" để mở rộng phạm vi điều chỉnh. Bởi lẽ phần mặt nước ven bờ từ giới hạn hành lang bảo vệ luồng đến mép bờ không được coi là đường thủy nội địa nhưng lại được điều chỉnh trong Luật là mâu thuẫn với tên gọi và có nội hàm không thống nhất với nội dung quy định tại dự thảo.
Đối với các quy định về quản lý luồng, tuyến, một số ý kiến cho rằng, đối với điều kiện tự nhiên của nước ta, hoạt động giao thông đường thủy nội địa vẫn đang diễn ra trên các vùng nước từ "mép luồng vào mép bờ tự nhiên và trên các sông, kênh, rạch… chưa được công bố khai thác giao thông vận tải".
Do đó đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định liên quan đến luồng ĐTNĐ, hành lang an toàn GTĐTNĐ để đảm bảo điều kiện an toàn cho các phương tiện lưu thông, phù hợp với đặc thù của vùng, miền, điều kiện thủy văn cũng như hoạt động khác trên sông.
Ngoài ra, việc quy định"hành lang bảo vệ luồng"cũng cần linh hoạt, phù hợp với từng khu vực, tránh mâu thuẫn với quy định trong mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương. Theo một số đại biểu, trong thực tế, việc phân cấp quản lý kết cấu hạ tầng GTĐTNĐ còn chồng chéo trên một địa bàn, gây khó khăn cho công tác quản lý và xử lý hành vi vi phạm trật tự an toàn GTĐTNĐ.
Vì vậy đề nghị dự thảo luật cần điều chỉnh theo hướng phân cấp mạnh hơn cho địa phương trong việc quản lý cảng, bến thủy nội địa; tách bạch hơn trong quản lý hàng hải và GTĐTNĐ.
Liên quan đến quy định về đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác cảng, bến thủy nội địa, nhiều đại biểu đề nghị cần quy định rõ ràng hơn, chính xác hơn về cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa; về các hình thức đầu tư bến, cảng để huy động đầu tư; xã hội hóa đầu tư cảng, bến. Đồng thời xem xét bổ sung các quy định cụ thể về phương thức khai thác, quản lý cảng, bến thủy nội địa.
Đối với quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện GTĐTNĐ, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đăng ký, đăng kiểm phương tiện còn thấp là do chưa làm cho người dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc đăng ký, đăng kiểm; thủ tục đăng ký hiện nay ở địa phương cũng chưa tạo thuận lợi cho chủ phương tiện...
Đề nghị dự thảo cần đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi trong việc đăng ký phương tiện; đồng thời xem xét phân cấp việc đăng kiểm phương tiện cho UBND cấp tỉnh, tiến tới xã hội hóa công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa như đối với phương tiện đường bộ.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015,điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam
Quốc Khang