Các nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực được các đại biểu tập trung thảo luận là chính sách phát triển điện lực, quy hoạch điện lực, giá điện và các loại phí.
Về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực, đa số ý kiến nhất trí chu kỳ quy hoạch phát triển điện lực là 10 năm, có định hướng cho 10 năm tiếp theo. Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Một số ý kiến khác đề nghị giữ nguyên chu kỳ là 5 năm hoặc phải cụ thể hóa quy hoạch thành các kế hoạch 5 năm và cần làm rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện quy hoạch. Cùng với đó là chú trọng chất lượng quy hoạch điện lực, bởi thực tế thời gian qua, công tác này vẫn còn những tồn tại bất cập.
Đại biểu Lê Thị Nguyệt, đoàn Vĩnh Phúc cho rằng: Chất lượng quy hoạch thì cũng cần phải có chế tài liên quan đến chất lượng duyệt quy hoạch và chất lượng của quy hoạch. Ở đây chất lượng quy hoạch có liên quan rất lớn đến các đơn vị cung cấp thông tin để làm công tác quy hoạch, nếu mà thiếu chính xác sẽ dẫn đến điều chỉnh quy hoạch thường xuyên và quy hoạch sai thì cơ quan cung cấp thông tin quy hoạch đó phải chịu trách nhiệm….
Từ thực tiễn về những bất cập, mất an toàn hồ đập thủy điện thời gian qua, cụ thể là thủy điện Sông Tranh 2, đại biểu Lê Văn Lai, đoàn Quảng Nam nhấn mạnh, việc an toàn đập thủy điện là vấn đề lớn, liên quan đến tính mạng người dân nhưng chúng ta chưa gắn được trách nhiệm của chủ đầu tư (cơ quan điện lực) xây dựng công trình thủy điện với vấn đề an toàn đập. Đại biểu Lê Văn Lai đề nghị: Câu chuyện an toàn tính mạng nhân dân phụ thuộc vào ấn đề an toàn đập. Chính vì vậy, đề nghị trong luật này nên đưa vào một nội dung về vấn đề an toàn đập trong vấn đề xây dựng các công trình thủy điện. Không chỉ cho Sông Tranh 2 ở Quảng Nam mà cho cả các công trình thủy điện trên cả nước.
Về giá điện, hầu hết các ý kiến tán đồng với quy định "giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước". Quy định như vậy là phù hợp với chủ trương điều hành lĩnh vực điện lực theo cơ chế thị trường, đồng thời vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện. Một số ý kiến khác đề nghị xác định rõ cơ chế thị trường và vai trò, mức độ can thiệp của Nhà nước trong chính sách giá bán điện.
Về phí điều tiết hoạt động điện lực, một số ý kiến cho rằng, thu phí là phù hợp, vì hiện nay cơ quan điều tiết hoạt động điện lực trực thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước về điều tiết hoạt động điện lực và tổ chức thực hiện nhiệm vụ điều tiết hoạt động điện lực nhằm cung cấp điện an toàn, ổn định, sử dụng điện tiết kiệm. Ý kiến khác lại cho rằng, điều tiết điện lực là hoạt động quản lý nhà nước, theo đó hoạt động này phải được ngân sách nhà nước bảo đảm. Vì vậy, đề nghị không thu loại phí này. Đại biểu Lê Thị Tám, đoàn Nghệ An cho rằng: Phí điều tiết hoạt động điện lực không phù hợp với quy định tại khoản 11 điều 3 và khoản 2 điều 66 của Luật điện lực. Điều tiết điện lực là hoạt động quản lý Nhà nước theo đó hoạt động này phải được ngân sách Nhà nước đảm bảo. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu cân nhắc loại bỏ các quy định này trong dự thảo Luật.
Theo DCSVN