Dự thảo Luật Giá gồm 5 chương, 51 điều quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; người tiêu dùng; hoạt động điều tiết giá và thẩm định giá…
Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật chưa quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương theo hướng xác định rõ mỗi cơ quan chịu trách nhiệm quản lý giá đối với mỗi loại mặt hàng, đề nghị cần quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đặc biệt là Bộ Tài chính.
Theo một số đại biểu, quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá như dự thảo là quá rộng có thể làm ảnh hưởng đến quy luật cung cầu trên thị trường. Ngoài ra, việc giao cho Chính phủ quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ là chưa hợp lý do những mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá như xăng dầu, thuốc chữa bệnh, lương thực... hiện đang được quy định trong Nghị định với phạm vi khá rộng và cơ bản ổn định trong tổ chức thực hiện. Do vậy, cần phải luật hóa danh mục này để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời so với diễn biến của thực tiễn và quy định rõ việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ cần thiết phải bình ổn tại những thời điểm có biến động bất thường về giá.
Xung quanh quy định về thẩm quyền quyết định và công bố các biện pháp bình ổn giá, nhiều đại biểu cho rằng, việc quy định UBND cấp tỉnh quyết định các biện pháp bình ổn giá tại địa phương là chưa hợp lý; dẫn đến tình trạng mỗi địa phương thực hiện theo cách khác nhau với cùng một loại hàng hóa, dịch vụ. Thực tế cho thấy, những địa phương có tiềm lực ngân sách mạnh như Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thì đầu tư bình ổn giá hiệu quả, còn đa số các địa phương không đủ tiềm lực tài chính sẽ khó thực hiện được yêu cầu bình ổn giá, dẫn đến thiếu thống nhất trong áp dụng chính sách, làm cho thị trường bị cắt khúc theo địa phương, ảnh hưởng đến thị trường chung trên phạm vi cả nước.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về tính công bằng của các hoạt động bình ổn giá do cơ bản chỉ áp dụng ở một số thành phố lớn, tại siêu thị, cửa hàng lớn, những nơi người nghèo, nông dân, học sinh, sinh viên chưa tiếp cận được. Để khắc phục tình trạng này, đề nghị ngoài việc thể chế hóa bằng các quy định của luật thì cần chú trọng tính đồng bộ và điều kiện bảo đảm trong tổ chức thực hiện.
Đối với quy định về trường hợp thực hiện bình ổn giá (Điều 16), theo một số ý kiến khái niệm bình ổn giá trong Luật giá được hiểu là những biện pháp nhằm tác động, can thiệp từ phía Nhà nước vào thị trường khi giá cả diễn biến bất thường. Do vậy, để tôn trọng quan hệ cung cầu và quy luật thị trường, Nhà nước chỉ áp dụng bình ổn giá theo hướng can thiệp vào thị trường khi phát sinh yếu tố bất thường (bao gồm cả tăng và giảm bất thường), gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và đời sống.
Ngoài ra, không nên quy định cứng trong luật một tỷ lệ nhất định đối với mọi loại hàng hóa để xác định mức độ biến động giá thất thường. Bởi lẽ, việc quy định một tỷ lệ nhất định sẽ dẫn đến lách luật mà cơ quan quản lý Nhà nước không thể xử lý, vì vậy, nên giao cho cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế từng thời kỳ, từng mặt hàng.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị bổ sung thêm các quy định làm rõ nguyên tắc quản lý giá; các hành vi cấm trong lĩnh vực giá; tiêu chuẩn thẩm định viên về giá; doanh nghiệp thẩm định giá; thẩm định giá của Nhà nước…
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.
Quốc Khang