Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ đồng tình cao với sự cần thiết phải sửa đổi luật xây dựng nhằm tăng hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát lãng phí, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận, làm chủ các công nghệ hiện đại trong hoạt động xây dựng, góp phần phát triển ngành xây dựng Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, dự thảo luật có tới hơn 50 điều khoản sử dụng cụm từ "theo quy định của pháp luật" và 25 điều khoản giao Chính phủ quy định cụ thể hoặc chi tiết là quá nhiều. Ngoài ra, một số thuật ngữ, quy định còn chung chung, khó thực hiện hoặc có thể dẫn đến việc áp dụng, hướng dẫn tùy tiện.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi lại các quy định này cho rõ ràng, minh bạch hơn, tạo thuận lợi khi thực hiện luật theo hướng loại bỏ một số quy định khung và bổ sung những quy định cụ thể để có thể áp dụng ngay, bảo đảm tính khả thi của luật.
Nhiều ý kiến tán thành với với phạm vi điều chỉnh của dự thảo bao gồm cả"hoạt động đầu tư xây dựng"vì cho rằng đầu tư là giai đoạn không thể tách rời trong các dự án xây dựng công trình.
Do đó,Luật xây dựng (sửa đổi) cần điều chỉnh xuyên suốt toàn bộ quá trình bỏ vốn tiến hành các hoạt động xây dựng bao gồm quy hoạch,lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế,thi công,giám sát, quản lý dự án đầu tư cho đến nghiệm thu, bàn giao đưa công trình xây dựng vào khai thác,sử dụng... với mọi loại nguồn vốn đầu tư khác nhau.
Liên quan đến việc lấy ý kiến về đồ án quy hoạch, nhiều đại biểu đề nghị, dự thảo cần bổ sung các quy định yêu cầu cơ quan lập và tư vấn, xây dựng đồ án quy hoạch phải tiếp thu ý kiến của các cá nhân có liên quan, của cộng đồng dân cư với các chế tài thật cụ thể, đảm bảo tính khách quan, khả thi của đồ án quy hoạch xây dựng, tránh quy hoạch treo.
Về điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng, một số ý kiến cho rằng, tại khoản 2 Điều 51, quy định một số trường hợp chủ đầu tư được điều chỉnh thời gian của dự án là chưa thống nhất với thẩm quyền quản lý thời gian thực hiện dự án của người quyết định đầu tư quy định tại khoản 1.
Hơn nữa, việc điều chỉnh thời gian của dự án có liên quan tới hiệu quả sử dụng kinh phí đầu tư, đặc biệt là dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính thống nhất của luật pháp.
Đối với các quy định về thẩm định dự án đầu tư xây dựng, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định theo hướng giao trách nhiệm cho người quyết định đầu tư trong tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở, có nghĩa vụ bắt buộc phải giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đối với thiết kế cơ sở.
Đồng thời, quy định chặt chẽ điều kiện năng lực của các chủ thể tham gia dự án; thẩm quyền đối với các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cùng các chế tài đủ mạnh để kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Theo một số đại biểu, việc người quyết định đầu tư có thẩm quyền quyết định thành lập ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực và các ban quản lý dự án này được giao làm chủ đầu tư là không hợp lý. Bởi lẽ trên thực tế, mô hình này sẽ tạo ra sự tách biệt giữa vai trò chủ đầu tư xây dựng với vai trò chủ sở hữu, quản lý và sử dụng công trình, đồng thời trao quá nhiều quyền hạn cho ban quản lý dự án, dẫn đến nhiều ban quản lý lạm quyền gây thất thoát, lãng phí.
Vì vậy, đề nghị cần bổ sung các quy định về cơ cấu tổ chức của ban quản lý dự án và làm rõ mối quan hệ giữa ban quản lý dự án với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cũng như với chủ sở hữu, quản lý, vận hành công trình.
Về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, nhiều đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định rõ về thành phần chi phí khác,chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư, suất vốn đầu tư,giá xây dựng làm căn cứ để tính tổng mức đầu tư… nhằm hạn chế tối đa việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng, điều chỉnh tổng mức đầu tư và điều chỉnh dự toán.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, quy hoạch nông thôn hiện nay ở nước ta còn nhiều bất cập do chưa xây dựng được các tiêu chí phù hợp. Do vậy đề nghị dự thảo luật cần bổ sung 1 Điều quy định cụ thể về vấn đề này nhằm đảm bảo những điều kiện phù hợp về không gian, sinh hoạt, phong tục tập quán của người dân, đồng thời điều chỉnh quy định nâng định mức tối thiểu đối với diện tích nhà ở nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của người dân trong thời gian tới.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể thảo luận về dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Luật tiếp công dân.
Quốc Khang