Về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức, bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân, đa số ý kiến cho rằng, dự thảo cần phải quy định rõ nội dung, phạm vi chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp; cũng như nhiệm vụ, thẩm quyền, các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của VKSND trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ (các điều 2, 3, 4 và Điều 5), trách nhiệm phối hợp của Cơ quan điều tra, Tòa án, thi hành án đối với hoạt động của VKSND…, tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của VKS trong các đạo luật tố tụng. Về mô hình tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, nhiều ý kiến đề nghị nên tổ chức mô hình VKSND khu vực để bảo đảm đồng bộ với mô hình tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, tăng cường tính độc lập của VKSND trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, đồng thời tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, tránh dàn trải, bình quân, lãng phí.
Liên quan đến nhiệm kỳ của Kiểm sát viên, đa số ý kiến cho rằng, việc quy định nhiệm kỳ đối với tất cả các ngạch Kiểm sát viên và phân hóa thời hạn bổ nhiệm giữa các ngạch Kiểm sát viên (05 năm bổ nhiệm lần đầu, 10 năm bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch) là phù hợp với đặc điểm Việt Nam, thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp "Tăng thời hạn bổ nhiệm các chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không có kỳ hạn", tạo động lực phấn đấu, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong thực thi nhiệm vụ.
Xung quanh quy định về tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên, nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn với quy định tăng tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSNDTC (65 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ). Bởi lẽ tăng tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức nói chung, trong đó có tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSNDTC là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, cần có sự nghiên cứu, đánh giá xem xét tổng thể toàn diện trong toàn bộ hệ thống chính trị, vì vậy đề nghị không nên quy định trong Luật Tổ chức VKSND về tăng tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSNDTC.
Về tổ chức và thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND, nhiều ý kiến tán thành việc tiếp tục quy định tổ chức Cơ quan điều tra của VKSND ở VKSNDTC nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; đồng thời, tiếp tục giữ thẩm quyền của Cơ quan điều tra này như quy định tại Điều 3 Luật Tổ chức VKSND hiện hành là "Điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội thuộc các cơ quan tư pháp".
Ý kiến khác lại đề nghị không tổ chức Cơ quan điều tra của VKSND để bảo đảm phân định rành mạch chức năng, nhiệm vụ với Cơ quan điều tra và VKS chỉ làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Liên quan đến quy định về trách nhiệm thực hiện công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm của Viện kiểm sát nhân dân, một số đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định VKSND có nhiệm vụ thống kê tội phạm và thống kê hình sự (Điều 3) là không hợp lý, bởi lẽ thống kê hình sự có đối tượng, phạm vi, nội dung khác với thống kê tội phạm. Đề nghị tiếp tục giao VKSND trách nhiệm thống kê tội phạm như quy định tại Điều 5 Luật Tổ chức VKSND năm 2002 để bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của VKSND được thực hiện từ khi có tội phạm xảy ra, trong suốt quá trình tố tụng đến thi hành án.
Nhiệm vụ thống kê hình sự sẽ do Chính phủ (Bộ Công an giúp thực hiện) để phù hợp với trách nhiệm của Chính phủ trong quản lý nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và thống kê nhà nước.
Ngoài ra, một số ý kiến còn đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nội dung và mối quan hệ giữa nguyên tắc "Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân" với nguyên tắc "Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm" trong Hiến pháp mới để tạo cơ sở cho việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền, trách nhiệm của Kiểm sát viên, của Viện trưởng VKS trong các đạo luật tố tụng và sự chỉ đạo trên thực tiễn của Viện trưởng đối với Kiểm sát viên khi thực thi nhiệm vụ.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể tại hội trường thảo luận về Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Quốc Khang