Đa số ý kiến bày tỏ đồng tình cao với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giao thông đường thủy theo hướng ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Liên quan đến quy hoạch và quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa, có ý kiến đề nghị, quy định bến thủy nội địa cần rõ ràng, chặt chẽ hơn và phải làm rõ bến thủy nội địa độc lập hay là một khu cảng của cảng, công trình bến cảng. Đồng thời bổ sung, chỉnh sửa các quy định về "cảng hành khách" và "cảng hàng hóa", "bến dân sinh" cho đầy đủ, rõ ràng và phù hợp với thực tế.
Xung quanh các quy định về luồng, tuyến thủy nội địa, đa số ý kiến cho rằng, do đặc điểm tự nhiên của nước ta, vùng đồng bằng sông Cửu Long có kênh rạch chằng chịt, vùng đất ngập nước rất rộng lớn, đời sống cư dân gắn liền với sông, kênh, rạch…, trong khi đó, ở khu vực miền Bắc và miền Trung các con sông có độ dốc lớn, mức nước chênh lệch giữa mùa cạn và mùa lũ rất lớn nên việc quy định luồng, tuyến cố định, có phao tiêu, cột mốc, báo hiệu cho mọi con sông, vùng miền là không phù hợp.
Mặt khác, hoạt động giao thông thủy nội địa diễn ra trên những địa hình có đặc điểm thủy văn khác nhau như sông, hồ, vịnh… Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ sửa đổi theo hướng quy định rõ về luồng tuyến để đảm bảo an toàn đường thủy theo vùng, miền và địa lý tự nhiên.
Theo một số đại biểu, sau 8 năm thực hiện Luật giao thông đường thủy nội địa, loại phương tiện đăng ký chỉ đạt 34% và số phương tiện phải đăng kiểm chỉ đạt 61%. Một trong các nguyên nhân là do quy định về đăng ký, đăng kiểm chưa phù hợp với thực tế cuộc sống của người dân, đặc biệt là đối với dân cư ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi phương tiện thủy khá phổ biến.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo có đánh giá cụ thể hơn về kết quả thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm, trên cơ sở đó điều chỉnh các quy định liên quan để quản lý phương tiện cho phù hợp với thực tế, bảo đảm an toàn cho giao thông trên mặt nước. Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định đối với phương tiện giao thông đường thủy nội địa kinh doanh vận chuyển hành khách phải có yêu cầu cao hơn, khác biệt hơn, nhằm tăng cường sự quản lý nhà nước và bảo đảm an toàn cho hành khách.
Về thuyền viên và người lái phương tiện, có đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể từng hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng được phép điều khiển các loại phương tiện tương ứng.
Ý kiến khác lại cho rằng nên bỏ quy định chi tiết về trọng tải, mã lực của phương tiện đối với việc đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng, máy trưởng vì phương tiện luôn phát triển theo xu hướng có trọng tải, công suất lớn, do vậy nên để văn bản dưới luật quy định cụ thể.
Xung quanh quy định về cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, nhiều đại biểu cho rằng, thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc chìm tàu, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Do đó, cần thiết phải có quy định chi tiết hơn về sự phối hợp và trách nhiệm của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, của các cơ quan tìm kiếm, cứu nạn.Đồng thời bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động cứu hộ, cứu nạn, cơ quan thường trực về cứu nạn cứu hộ và có số điện thoại cứu hộ, cứu nạn thống nhất trong cả nước.
Về quản lý Nhà nước đối với giao thông thủy nội địa, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa quy định thanh tra chuyên ngành giao thông đường thủy nội địa cho phù hợp với pháp luật về thanh tra, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và đặc thù của ngành giao thông đường thủy.
Đặc biệt cần phân định cụ thể hơn trách nhiệm phối hợp của UBND các cấp, của cơ quan cảnh sát, cơ quan quan lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa trong thanh tra, tuần tra về luồng, tuyến, cảng bến... Cũng trong phiên họp buổi sáng với đa số phiếu tán thành Quốc hội đã thông qua Nghị quyết quy hoạch tổng thể về thủy điện.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể thảo luận dự án Luật đầu tư công và thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp (bao gồm cả nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng).
Quốc Khang