Đa số ý kiến bày tỏ đồng tình cao với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nhằm kịp thời khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHYT, tạo cơ chế để huy động mạnh mẽ hơn sự tham gia của cả hệ thống chính trị cùng với người dân trong việc mở rộng diện bao phủ tiến tới BHYT toàn dân, tăng thêm quyền lợi hợp lý cho người tham gia BHYT, tiếp tục nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Về quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế (khoản 1, Điều 1), nhiều ý kiến đề nghị nên có quy định mọi người bắt buộc phải tham gia BHYT, bởi vì BHYT do Nhà nước tổ chức thực hiện với mức mệnh giá không cao, nhằm bảo đảm cho mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ y tế cơ bản, mang lại lợi ích cho người dân và bảo vệ sức khỏe của cả cộng đồng.
Ngoài ra để khuyến khích người dân tham gia BHYT, dự thảo luật cần bổ sung quy định khi tham gia BHYT theo hộ gia đình thì mức mức đóng sẽ được giảm dần từ thành viên thứ 2 trở đi.
Về phân cấp quản lý quỹ cho tỉnh/thành phố; xử lý kết dư, bội chi quỹ BHYT (khoản 20 của Điều 1), nhiều đại biểu cho rằng dự thảo chưa quy định cụ thể về thứ tự ưu tiên trích nộp, xử lý kết dư quỹ, trong khi lại quy định về mức quỹ dự phòng quá cao, dẫn đến các địa phương có kết dư quỹ BHYT (chủ yếu là các tỉnh miền núi, Tây Nguyên) chưa được sử dụng một phần quỹ kết dư ở địa phương.
Đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể tỷ lệ trích nộp quỹ dự phòng về trung ương và tổ chức Hội đồng quản lý quỹ tại tỉnh, đồng thời, quy định rõ khi quỹ BHYT ở tỉnh kết dư thì tỉnh được ưu tiên sử dụng một phần kết dư (kể cả trong trường hợp quỹ dự phòng trung ương kết dư hay bội chi). Quy định như vậy sẽ tránh tình trạng khi quỹ ở trung ương bội chi thì quỹ ở tỉnh dù có kết dư cũng không được sử dụng.
Ngoài ra, dự thảo cần bổ sung một khoản quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh sử dụng ngân sách địa phương để đóng góp theo một tỷ lệ nhất định cho phần bị bội chi tại địa phương, nhằm nâng cao trách nhiệm của địa phương trong việc tăng tỷ lệ tham gia BHYT và chống lạm dụng quỹ BHYT.
Liên quan đến thẩm quyền quy định giá dịch vụ y tế, nhiều đại biểu phản ánh thực tế giá dịch vụ y tế đang áp dụng có sự chênh lệch giữa các tỉnh, thành phố, mặc dù mức thu BHYT như nhau dẫn đến tình trạng mức thanh toán của quỹ BHYT cho các tỉnh khác nhau, tạo sự bất bình đẳng giữa người dân thành thị và người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Vì vậy để đảm bảo tính thống nhất và chi trả của quỹ BHYT cho các bệnh viện phù hợp với mức đóng BHYT, góp phần tạo điều kiện cho những bệnh viện ở các địa bàn khó khăn nâng cấp và phát triển, đề nghị giao trách nhiệm cho liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành giá dịch vụ y tế thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng trong cả nước.
Đối với quy định về mức hưởng BHYT (sửa đổi Điều 22), một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ về quy định mức cùng chi trả với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; hộ cận nghèo và thân nhân người có công.
Đồng thời xem xét quy định theo hướng sử dụng quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo ở địa phương cùng chi trả 5% để hỗ trợ người nghèo, góp phần tránh lạm dụng quỹ BHYT.
Theo một số đại biểu, hiện nay, dịch vụ kỹ thuật y tế và thuốc ngày càng hiện đại, hiệu quả, đã cứu sống nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo nhưng giá cả cũng cao hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu số cùng chi trả quá lớn, vượt khả năng bệnh nhân thì BHYT sẽ mất ý nghĩa bảo vệ của chính sách BHYT.
Đề nghị quy định mức cùng chi trả tối đa/năm và gắn với số năm tham gia BHYT liên tục, khi vượt quá mức này thì người bệnh phải thực hiện cùng chi trả. Về vấn đề thanh toán khám chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến (sửa đổi Điều 22) nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề vượt tuyến, trái tuyến một mặt do nhu cầu của người bệnh, mặt khác, các bệnh viện tuyến trung ương thực hiện tự chủ và chủ yếu thanh toán theo cơ chế phí dịch vụ nên đã nhận điều trị cả các loại bệnh thông thường để tăng nguồn thu cho bệnh viện, gây nên tình trạng quá tải (nhiều nơi là quá tải ảo).
Bên cạnh đó, quy định về khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến dễ làm phát sinh cơ chế xin/cho để được chuyển viện ở các bệnh viện tuyến dưới. Do đó đề nghị, dự thảo cần quy định rõ quỹ BHYT sẽ chi trả cho trường hợp khám chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến với các ca bệnh điều trị nội trú, còn với người đi khám ngoại trú thì quỹ BHYT chỉ chi trả một số bệnh, mức chi cụ thể giao cho Chính phủ quy định.
Trước đó, trong phiên họp toàn thể tại buổi sáng, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Nên giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và nghe Tờ trình về việc tăng số Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội (trong đó có báo cáo Quốc hội về việc bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật).
Quốc Khang