Đa số ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống pháp luật chung cũng như tiệm cận với thông lệ quốc tế về bảo hiểm tiền gửi.
Về đối tượng được bảo hiểm tiền gửi, nhiều đại biểu đề nghị chỉ nên quy định bảo hiểm tiền gửi của cá nhân bởi mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, không có điều kiện tham gia sản xuất - kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin, tham gia gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Đối với tiền gửi của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng thì đây là một phần trong hoạt động luân chuyển vốn thường xuyên, được quản lý chặt chẽ bởi chế độ quản trị doanh nghiệp, nên không thể có vấn đề thiếu thông tin về tổ chức tín dụng mà doanh nghiệp gửi tiền. Về quy định loại tiền gửi được bảo hiểm tại Điều 18, nhiều ý kiến cho rằng chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam ngoài việc cấm sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam, còn không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ (kể cả việc gửi vào ngân hàng), mà khuyến khích người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng. Vì vậy chỉ nên quy định tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân, không bảo hiểm đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và các loại tiền gửi khác.
Một số đại biểu nêu tình trạng trước đây đã có nhiều quỹ tín dụng đổ vỡ, gây bức xúc và suy giảm lòng tin trong nhân dân đối với hệ thống ngân hàng. Đề nghị Dự thảo Luật cần phải có quy định cụ thể về sự phối hợp giữa các cơ quan của Nhà nước, nhất là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính để làm rõ địa vị pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Trước mắt, nên để tổ chức bảo hiểm tiền gửi trực thuộc Ngân hàng Nhà nước và hoạt động dưới hình thức "dịch vụ công". Mặt khác, cũng cần phải nâng số tiền chi trả bảo hiểm lên ít nhất 5 lần so với hiện nay để tăng lòng tin cho người dân.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012. Theo đó, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao các nội dung như: Xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và ngân sách Nhà nước năm 2011; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2012 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan. Quốc hội cũng sẽ xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012; các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính.
Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương có liên quan có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của cơ quan tiến hành giám sát. Các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua 4 dự án luật bao gồm: Luật Lưu trữ; Luật Đo lường; Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo.
Quốc Khang