Về việc thành lập Hội đồng trường, nhiều ý kiến cho rằng, đây là một thiết chế không thể thiếu trong giáo dục công lập, giúp cho hoạt động của hệ thống giáo dục được lành mạnh, công khai, có tính tự chủ cao và chịu trách nhiệm trước xã hội. Tuy nhiên, để mô hình này hoạt động hiệu quả, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định chi tiết và tổ chức hướng dẫn thực hiện, gắn chức năng, quyền hạn với quyền lợi đối với từng đối tượng trong Hội đồng, tránh hoạt động hình thức, thiếu hiệu quả. Thảo luận về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, nhiều đại biểu nhất trí việc trao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học và đề nghị quy định chi tiết ngay trong luật các điều kiện, tiêu chí để cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ. Xung quanh nội dung xã hội hóa giáo dục, một số ý kiến đề nghị cần làm rõ khái niệm lợi nhuận và không vì lợi nhuận, vì làm rõ được khái niệm này mới có những chính sách phù hợp với từng loại hình.
Đối với quy định về kiểm định chất lượng giáo dục đại học, đa số ý kiến nhất trí đề nghị quy định việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học và công khai kết quả kiểm định là bắt buộc. Tuy nhiên, để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học thực hiện tốt hơn, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định thêm 1 điều về cơ sở pháp lý, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức kiểm định chất lượng và việc sử dụng kết quả kiểm định chất lượng.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng tỏ ra băn khoăn về chỗ ở của sinh viên hiện nay quá khó khăn, số sinh viên được ở ký túc xá không nhiều, hàng triệu sinh viên phải ở trọ không bảo đảm chất lượng, chi phí đắt đỏ, tác động đến chất lượng học tập của các em. Đề nghị luật phải quy định rõ nhiệm vụ bảo đảm chỗ ở cho sinh viên của các trường Đại học.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật công đoàn (sửa đổi). Các ý kiến thảo luận tập trung vào các nội dung: Địa vị pháp lý của công đoàn; Quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động nước ngoài; Trách nhiệm của công đoàn trong việc tổ chức và lãnh đạo đình công; Tài chính và việc quản lý, sử dụng, kiểm tra, giám sát tài chính công đoàn…
Đại biểu Lưu Thị Huyền (Đoàn Ninh Bình), bày tỏ sự tán thành với việc quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài. Bởi trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, có hàng chục ngàn người lao động là chuyên gia, lao động kỹ thuật đang làm việc tại các khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc đang làm việc tại các doanh nghiệp Việt Nam. Trong thực tế, mối quan hệ giữa người lao động là người nước ngoài và người sử dụng lao động cũng bắt đầu phát sinh những mâu thuẫn cần phải giải quyết. Nếu người lao động là người nước ngoài được tham gia công đoàn sẽ thuận lợi hơn trong công việc, giúp tăng cường mối quan hệ giữa công đoàn với người lao động công tác và bảo đảm sự bình đẳng về quyền lợi công đoàn giữa lao động Việt Nam và lao động là người nước ngoài.
Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trong điều kiện hiện nay, đại biểu cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ, chi tiết trong văn bản hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam về quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động là người nước ngoài.
Về trách nhiệm của Công đoàn trong việc "Tổ chức và lãnh đạo đình công" (khoản 9 Điều 10), theo một số ý kiến nên quy định cụ thể hơn về trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo đình công đối với công đoàn còn trình tự, thủ tục cụ thể tổ chức và lãnh đạo đình công của Công đoàn được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành…
Tin, ảnh: Quốc Khang