Đa số các ý kiến đều cơ bản tán thành báo cáo của Chính phủ và các bộ, ngành về kết quả bước đầu trong tổchức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Tuy nhiên các đại biểu cũng cho rằng mặc dù có nhiều cố gắng nhưng một số nội dung còn chậm chuyển biến gây bức xúc trong nhân dân như tình trạng xả lũ tại các hồ thủy điện; vấn đề y đức của đội ngũ y bác sỹ; tình trạng đầu tư dàn trải; an toàn vệ sinh thực phẩm; quản lý vật tư nông nghiệp…
Về tình trạng xả lũ của các hồ thủy điện, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại trước tình trạng một số hồ thủy điện giữ nước để tiết kiệm một vài tỷ đồng, nhưng khi lũ về lại xả nước lại thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho bà con nông dân, thậm chí còn liên quan đến tính mạng người dân.
Đề nghị Chính phủ cần phải có quy định yêu cầu các hồ thủy điện trước khi mùa mưa lũ đến phải xả hết nước để tăng diện tích hồ chứa, nếu doanh nghiệp nào chấp hành không nghiêm túc phải tiến hành xử lý trách nhiệm hình sự.
Theo một số đại biểu, nông nghiệp có vị trí quyết định trong phát triển đất nước, tạo sự ổn định, bền vững nhưng đang đứng trước thách thức lớn, có nguy cơ chững lại. Những trở ngại này một phần là do thiếu giống cây trồng chất lượng cao, thức ăn chăn nuôi bị buông lỏng quản lý, phương thức tổ chức sản xuất mang mún...
Đề nghị cần có chính khuyến khích việc mở rộng các trang trại theo hình thức thuê đất của nông dân gắn với cải thiện chất lượng cây, con giống nhằm tăng sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu.
Ngoài ra, cũng nên có chính sách ưu đãi hoàn toàn cho tất cả nhà máy chế biến nông sản dùng 100% nguyên liệu trong nước để nâng giá trị gia tăng, tạo sự đột phá về công nghiệp chế biến, hình thành những cứ điểm nông - công nghiệp, coi đó như con đường để giải quyết bài toán nông nghiệp.
Một số ý kiến đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm rõ trách nhiệm của mình đối với tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội đang gây bức bình và bất an trong nhân dân. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, nguyên nhân của sự xuống cấp này có một phần là do nước ta phát triển nền kinh tế thị trường nên không thể tránh được những trường hợp vụ lợi, chạy theo đồng tiền mà quên đi các giá trị nhân bản.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là do trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến văn hóa cũng còn nhiều văn bản bất cập, lạc hậu; việc thực thi kỷ cương không nghiêm, nói nhưng hành động chậm trễ, không làm. Trong những hạn chế này, Bộ có phần trách nhiệm và Bộ trưởng cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc hơn nghị quyết 52 của Quốc hội.
Một số ý kiến đề nghị xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong việc để sảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, nợ trong kế hoạch nhà nước đến nay còn khoảng 43.000 tỷ đồng. Để hạn chế nợ đọng, Bộ đã siết việc phân bổ vốn đầu tư; khởi công, phê duyệt các dự án mới; lồng ghép các dự án chương trình mục tiêu quốc gia; quản lý chặt hơn nguồn vốn ODA, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng mong Quốc hội sớm thông qua Luật Đầu tư công tạo hành lang pháp lý quản lý chặt chẽ hơn hơn hoạt động này.
Liên quan đến những băn khoăn của các đại biểu về vấn đề nâng cao y đức trong ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay bộ đã thành lập đường dây nóng ở 3 cấp, Bộ Y tế, Sở y tế, bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện, trên cơ sở đó sẽ chấn chỉnh bằng các biện pháp hành chính, thi đua và tài chính, xử phạt theo Luật công chức và viên chức.
Ngoài ra, bộ đã tổ chức 11 lớp về quy tắc ứng xử đạo đức cho khoảng 6.000 cán bộ, công nhân viên từ điều dưỡng bệnh viện tuyến huyện gắn với học học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sắp tới bộ cũng sẽ có quy định nếu bệnh viện nào xảy ra tiêu cực thì tất cả các danh hiệu thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú và các phần thưởng của nhà nước sẽ bị đình hoãn lại.
Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII và tiến hành chất vấn Bộ trưởngBộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát một số vấn đề liên quan đến tình hình tái cơ cấu nền nông nghiệp, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo, tạm trữ cà phê; trách nhiệm trong việc chậm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phân bón, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi…
Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến việc phân bổ lợi ích trong chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, việc liên kết giữa nông dân và nhà xuất khẩu là giải pháp căn cơ để giải quyết đầu ra cho nông sản. Trong vụ mùa vừa qua, sau khi Chính phủ hỗ trợ lãi xuất mua tạm trữ thì giá lúa đã cao hơn giá sàn, đến nay, cơ bản nông dân đã có lãi 30%. Về mô hình nông dân cho thuê đất, góp đất để phát triển các trang trại theo hướng sản xuất lớn, Bộ Trưởng cho rằng, luật pháp nước ta cho phép điều đó và hiện đang có một số mô hình cho thuê đất, góp đất trồng cà phê, cao su đem lại hiệu quả cao, trong thời gian tới bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm để có chính sách khuyến khích cụ thể.
Về công tác đảm bảo an toàn hồ đập, theo Bộ trưởng hiện cả nước có gần 1.200 hồ chứa cần phải tu bổ, nâng cấp, sửa chữa. Năm 2013, Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương 500 tỷ để nâng cấp, sửa chữa hơn 90 hồ xuống cấp nghiêm trọng. Trước mỗi trận bão, Bộ đều thông báo rất cụ thể cho các địa phương về tình hình hồ chứa, nhất là các hồ có nguy cơ cao để cảnh báo cho nhân dân đề phòng và có phương án phòng, chống.
Hiện nay, Bộ đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định về quản lý an toàn hồ đập với các quy định vận hành hồ chứa chặt chẽ hơn, bộ cũng đề nghị Quốc hội quan tâm bố trí một phần kinh phí tiếp tục sửa chữa, nâng cấp những hồ, đập đã xuống cấp đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ.
Quốc Khang