Đa số ý kiến đều cơ bản nhất trí với đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Theo đó, năm 2012 với sự nỗ lực của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành, kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế. Tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm. Văn hóa, xã hội, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí có những chuyển biến tích cực. An ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại, quốc phòng được tăng cường.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu lên thực trạng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém. Áp lực lạm phát và nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô lớn; lãi suất, nợ xấu vẫn còn cao; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản trầm lắng. Đời sống của người dân, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động có thu nhập thấp vẫn còn khó khăn…
Thảo luận về nợ công, nhiều ý kiến cho rằng việc khống chế tỷ lệ nợ công là cần thiết nhưng cần cân nhắc tỷ lệ bội chi phù hợp để nới lỏng chính sách tài khóa, trong thời gian tới, Quốc hội cần ban hành chỉ tiêu nợ công an toàn làm căn cứ cho Chính phủ điều hành, quản lý và có cơ sở giám sát.
Theo một số đại biểu, việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian qua triển khai chậm, tăng trưởng vẫn lệ thuộc vào vốn, thị trường bất động sản còn trầm lắng, đóng băng. Do vậy, kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục cụ thể hóa và tập trung thực hiện những chủ trương, mục tiêu đã được xác định trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, hướng tới tạo lập một hệ thống động lực khuyến khích mới để phân bổ lại nguồn lực hiệu quả, hợp lý và bền vững hơn.
Ngoài ra cần sớm ban hành Đề án tái cơ cấu đầu tư công gắn với cải cách thể chế, đổi mới phân cấp quản lý kinh tế, quản lý ngân sách nhằm thay đổi rõ rệt phương thức phân bổ nguồn lực công, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Nhiều ý kiến đề nghị cần xem lại đóng góp của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để có sự lựa chọn thích hợp và ban hành giải pháp quyết liệt hơn trong việc ổn định thị trường, đặc biệt gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng nên kéo dài đến hết năm 2014 gắn với đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế.
Liên quan đến chính sách cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhiều đại biểu cho rằng, khu vực nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh suy thoái kinh tế, tuy nhiên đầu tư cho khu vực này chưa tương xứng.
Vì vậy, kiến nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân; nâng cao công tác dự báo tình hình sản xuất và sản lượng lúa, gạo để quyết định thời gian, khối lượng tạm trữ phù hợp, góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ lượng lúa, gạo hàng hóa tại các địa phương đảm bảo cho người trồng lúa có lãi tối thiểu 30%.
Đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhiều đại biểu nêu thực trạng theo chính sách bảo hiểm y tế, người dân đi khám, chữa bệnh phải theo đúng tuyến, từ cấp cơ sở lên.
Tuy nhiên, hiện nay người dân không yên tâm với chất lượng tại các cơ sở y tế tuyến dưới, một phần là do cơ sở hạ tầng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở còn hạn chế. Kiến nghị, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp, xây mới các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương, Chính phủ, bộ Y tế cần tập trung nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở và coi đây là giải pháp trọng tâm nhằm giảm tải bệnh viện tuyến trên, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Trên lĩnh vực an sinh xã hội, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát và điều chỉnh chính sách dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức, thực hiện, nhất là tại 62 huyện nghèo.
Ngoài ra cần rà soát, sắp xếp lại hệ thống chính sách giảm nghèo hợp lý hơn, tiếp tục nghiên cứu cơ chế phối hợp liên ngành hoặc giảm đầu mối quản lý để tránh chồng chéo, đảm bảo mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo một cách thực chất và bền vững.
Cũng tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và các Bộ trưởng Lao động, Thương binh, Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư; Công thương; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã phát biểu giải trình một số vấn đề liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, quản lý thị trường vàng, xử lý nợ xấu, tính chính xác của các số liệu thống kê, Đề án tái cơ cấu nền kinh tế…
Quốc Khang