Sáng 29/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.
Tờ trình Báo cáo đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành do Bộ trưởng Bộ Giao thông -Vận tải Đinh La Thăng trình bày nêu rõ: việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết, vì sẽ hình thành và phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực nhằm phục vụ Chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam. Việc lựa chọn vị trí quy hoạch và xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được các cơ quan chuyên môn của ngành hàng không dân dụng nghiên cứu kỹ lưỡng từ năm 1993. Bên cạnh đó, các quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác đã được phê duyệt cũng đồng bộ với việc hình thành cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Nhiều công trình quy hoạch đã được triển khai đầu tư, nhất là các tuyến giao thông tạo điều kiện kết nối thuận tiện giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành với thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận.
Mục tiêu đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành từng bước đạt cấp 4F (theo phân cấp của ICAO); giữ vai trò là Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia, dự kiến trong tương lai sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á. Toàn bộ Dự án dự kiến chia thành 3 giai đoạn. Khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án khoảng 7,837 tỷ USD (tương đương 164.5 89 tỷ đồng).
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam. Về cơ bản, các đại biểu nhất trí với báo cáo giải trình tiếp thu và chỉnh lý. Trong đó nhất trí quy định rõ nhà chức trách hàng không là Cục Hàng không Việt Nam. Nhiều đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến trong vận chuyển hàng không dân dụng…
Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Dự án Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi).
Mai Lan