Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 40 của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công Thương rà soát các dự án thủy điện trên địa bàn cả nước. Kết quả rà soát đã loại khỏi quy hoạch 424 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Như vậy, cả nước hiện còn 815 dự án, công trình thủy điện (tương đương 24.334 MW); trong đó đang vận hành 268 dự án, đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án.
Đặc biệt số lượng các dự án thủy điện nhỏ trong quy hoạch là rất lớn chiếm gần 90% nhưng đóng góp về tổng công suất của các dự án này không nhiều chỉ khoảng 26%, và tỷ trọng này sẽ thấp hơn nữa khi một số dự án bị loại bỏ khỏi quy hoạch.
Cũng theo báo cáo, công tác bảo đảm chất lượng, an toàn công trình thủy điện đang được triển khai tích cực, tuy nhiên, việc quản lý chất lượng công trình chưa thật sự hiệu quả, nhiều dự án giao hoàn toàn cho chủ đầu tư thực hiện và tự chịu trách nhiệm, mà thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước.
Tại một số dự án, công trình thủy điện, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế. Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, đơn vị liên quan khi chất lượng công trình kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể, đặc biệt là tại các công trình thủy điện vừa và nhỏ đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Bên cạnh đó còn không ít công trình thủy điện trong quá trình vận hành, chủ đầu tư chỉ quan tâm đến sản xuất điện, chưa chú trọng đúng mức việc điều tiết, cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, đặc biệt trong mùa khô.
Báo cáo thẩm tra quy hoạch tổng thể về thủy điện của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khẳng định: Năm 2012, thủy điện đã đóng góp cho hệ thống điện hơn 48% công suất phát điện và gần 44% sản lượng điện. Thủy điện còn tham gia chống lũ, chống hạn, cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, tạo nhiều việc làm cho lao động.
Tuy nhiên bên cạnh những đóng góp tích cực, quá trình lập và thực hiện quy hoạch thủy điện đã nảy sinh một số hạn chế, bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro như tác động đến môi trường, công tác di dân tái định cư, an toàn hồ chứa, công trình thủy điện...
Để khắc phục tình trạng trên, Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất và đồng bộ các quy hoạch phân ngành năng lượng trong đó có quy hoạch thủy điện trên cơ sở kết quả rà soát tổng thể quy hoạch thủy điện. Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc loại bỏ các dự án thủy điện khỏi quy hoạch gây tốn kém, lãng phí nguồn lực.
Chỉ đạo rà soát về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; quản lý an toàn đập, hồ chứa đặc biệt là bổ sung quy định xử phạt vi phạm về an toàn đập, hồ chứa; thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế dựa trên định mức sử dụng đất rừng và công suất của các dự án thủy điện; làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư cho nhân dân tại các dự án thủy điện…
Cũng trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã nghe Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38 năm 2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.Theo tờ trình, tổng chiều dài toàn tuyến đường Hồ Chí Minh từ 3.167 km sẽ được điều chỉnh lên 3.183 km, tăng 16 km so với Nghị quyết số 38 do tuyến chính có điều chỉnh đi tránh các thành phố, thị xã, thị trấn để giảm khối lượng giải phóng mặt bằng và điều chỉnh hướng tuyến ở những vị trí có địa hình khó khăn.
Cụ thể, đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pác Bó, tỉnh Cao Bằng, điểm cuối tại Đất Mũi, tỉnh Cà Mau, đi qua 28 tỉnh, thành phố, giảm 2 tỉnh, thành phố so với Nghị quyết. Đến năm 2015 cơ bản hoàn thành nối thông từ Pác Bó đến Đất Mũi với quy mô hai làn xe, có tận dụng các tuyến đường hiện có. Các đoạn tuyến còn lại và một số cầu lớn hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020.
Buổi chiều, Quốc hội phiên họp toàn thể tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi).
Quốc Khang