Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo trước Quốc hội một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Báo cáo nhấn mạnh: việc bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm có tính chất rất hệ trọng được cử tri cả nước tin tưởng, ủy quyền cho đại biểu đánh giá tín nhiệm đối với những chức danh chủ chốt của Nhà nước do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Những người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm giữ trọng trách điều hành đất nước, thực hiện các chủ trương của Đảng, được nhân dân giao phó. Do đó, đại biểu Quốc hội cầm lá phiếu nhẹ nhàng, nhưng trọng trách lại rất nặng nề. Việc bỏ phiếu cho ai, đồng chí nào đòi hỏi sự khách quan, công tâm, chính xác.
Việc lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã có kinh nghiệm sau gần ba năm thực hiện. Qua công tác lấy phiếu tín nhiệm, những đồng chí được đánh giá tín nhiệm cao, đã nhận thức được vai trò, vị trí để tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó. Một số đồng chí được các đại biểu Quốc hội đánh giá chưa cao, đã phấn đấu khắc phục nhược điểm của ngành để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Nhìn chung tình hình công tác của các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn đã có chuyển biến tích cực, có nỗ lực cao hơn, toàn tâm, toàn ý hoàn thành nhiệm vụ tốt.
Sáng ngày 15-11, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Việc tiến hành lấy phiếu được thực hiện minh bạch, công khai theo đúng quy trình, thủ tục được quy định trong Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Mỗi đại biểu được phát 11 lá phiếu với tổng số 50 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm theo Danh sách đã được thông qua.
Chiều ngày 15-11, Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 50 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Kết quả được Trưởng ban Kiểm phiếu Hùynh Văn Tý công bố theo thứ tự "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp". Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đạt số phiếu lần lượt là 380, 84, 20; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có số phiếu 340, 93, 52; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đạt 320, 96, 68. Cũng theo kết quả lấy phiếu, người đạt số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội với 390 phiếu; người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến với 192 phiếu.
Năm nay, danh sách lấy phiếu có thêm 4 vị mới là các ông Nguyễn Đức Hiền (Trưởng ban Dân nguyện), Nguyễn Văn Nên (Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Hữu Vạn (Tổng kiểm toán), Đinh Tiến Dũng (Bộ trưởng Tài chính). Hai nhân sự giữ cương vị mới là ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Ông Nguyễn Thiện Nhân không vào danh sách sau khi rời vị trí phó thủ tướng.
Trước đó, chiều 14-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành tại tỉnh Đồng Nai. Đã có 23 đại biểu đăng ký phát biểu, tập trung vào 5 vấn đề: sự cần thiết xây dựng sân bay, phương án đầu tư, tổng mức đầu tư, thời điểm đầu tư và vấn đề di dân tái định cư. Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu đã đồng ý với chủ trương đầu tư xây dựng dự án. Có đại biểu đề nghị sớm cho triển khai dự án để vấn đề vốn đầu tư sẽ sớm được xử lý trong bối cảnh nợ công đang ở mức giới hạn cho phép. Tuy nhiên, cũng có đại biểu đồng ý với chủ trương xây sân bay Long Thành, nhưng để xem đã cấp thiết chưa thì cần tính toán một cách chính xác, khoa học xem sân bay Tân Sơn Nhất có thể phục vụ được bao nhiêu hành khách mỗi năm rồi mới quyết định việc đầu tư Long Thành vào thời điểm nào. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về vấn đề di dân, tái định cư, mức giá đền bù và việc có nên giành những ưu đãi cho việc xây dựng dự án này.
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, đa số các đại biểu Quốc hội đều thống nhất về sự cần thiết về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của hai Luật này để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cũng cần có các giải pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm tăng tính hiệu quả khi Luật có hiệu lực.
Ngoài ra, một số đại biểu đã đề xuất bổ sung thêm game online vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi, sản phẩm trò chơi sản xuất trong nước chưa phát triển để thay thế được nguồn trò chơi nước ngoài. Do vậy, các đại biểu đề nghị chưa bổ sung mặt hàng kinh doanh game online vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, dần thay thế được các sản phẩm nước ngoài, góp phần phát triển công nghệ thông tin Việt Nam và nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước…
Mai Lan