Đa số các đại biểu cho rằng, việc ban hành Dự án Luật Giá là cần thiết nhằm tạo điều kiện quản lý, điều tiết phù hợp với cơ chế thị trường, thu hẹp phạm vi độc quyền về giá, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, phù hợp với cam kết của nước ta với các tổ chức kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tính định hướng XHCN trong phát triển kinh tế, đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhất định liên quan đến quốc kế dân sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định ngân sách Nhà nước, đời sống nhân dân thì Nhà nước nhất thiết phải định giá, kiểm soát và điều tiết giá như: Đất đai, tài nguyên, điện, xăng dầu... Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, bình ổn giá. Kèm theo mỗi tiêu chí là các loại hàng hóa, dịch vụ tương ứng do Nhà nước định giá, bình ổn giá để từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp hợp lý tùy từng mức độ, tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự băn khoăn trong công tác quản lý giá trong lĩnh vực nông nghiệp bởi thực tế điệp khúc được mùa mất giá vẫn còn phổ biến. Vì vậy, cần phải đưa các sản phẩm nông nghiệp vào danh mục định giá, bình ổn giá để đảm bảo cho người sản xuất. Mặt khác cũng cần xác định rõ trong Dự án Luật nguồn hình thành của quỹ bình ổn giá, cơ chế quản lý, sử dụng và minh bạch công khai về nguồn quỹ này, khắc phục tình trạng như vừa qua một số mặt hàng chiến lược, bình ổn giá hình thành quỹ nhưng không kiểm tra, kiểm soát được lãi, lỗ. Về thẩm định giá của Nhà nước, theo một số đại biểu, về bản chất, thẩm định giá là một trong những loại hình dịch vụ dựa trên nguyên tắc trung gian độc lập, là hoạt động kinh doanh có lợi nhuận, được áp dụng phổ biến ở hầu hết các nền kinh tế thị trường. Do vậy, nếu Nhà nước tham gia vào hoạt động thẩm định giá thì phải hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính độc lập giữa chức năng quản lý Nhà nước với chức năng kinh doanh dịch vụ tư vấn...
Thảo luận về Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính, các ý kiến tập trung vào những vấn đề như: Phạm vi điều chỉnh của Luật; các biện pháp xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong xử phạt vi phạm hành chính; việc hành chính hóa các vụ án hình sự… Hầu hết ý kiến đều tán thành với việc ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại trong thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính trong tình hình hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật quy định tăng mức phạt vi phạm hành chính tối thiểu lên 5 lần và mức tối đa tăng lên 4 lần so với hiện nay nhằm nâng cao tính răn đe là cần thiết. Đề cập đến tính khả thi của các hình thức xử phạt, đặc biệt tại các thành phố lớn, nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu đưa ra mức xử phạt phù hợp hơn với thực tế và cần làm rõ cơ sở và tính khả thi của việc nâng mức phạt tối đa lên đến 2 tỷ đồng, bởi lẽ mức phạt quá cao so với thu nhập của đại đa số người dân, có thể sẽ tạo điều kiện cho tiêu cực xảy ra. Về thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, nhiều đại biểu đề nghị nên giao cho Tòa án thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhằm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, công khai, minh bạch bảo vệ quyền lợi của đương sự.
Quốc Khang