Tại phiên họp toàn thể chiều 8/11, với 82,39% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, Nghị quyết đã nêu 5 nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu lại nền kinh tế bao gồm: tập trung hoàn thành cơ cấu lại ba trọng tâm, gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khu vực công; phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường, gồm thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải ban hành nghị quyết và đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như Tờ trình của Chính phủ, cũng có ý kiến đề nghị xử lý nghiêm đối với trường hợp sử dụng không đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc việc miễn giảm quá rộng cũng sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng đất tiết kiệm. Về thời hạn, đa số ý kiến thống nhất với thời hạn miễn thuế như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị kéo dài đến năm 2030, cũng có ý kiến đề nghị ban hành một nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết số 55 và cũng có ý kiến đề nghị ban hành Luật thuế sử dụng đất bao gồm đất nông nghiệp...
Trước đó, trong phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Du lịch (sửa đổi), nhiều đại biểu nhất trí với quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật du lịch nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Về điều kiện kinh doanh lữ hành quy định tại điều 32 dự thảo Luật, một số đại biểu cho rằng hoạt động kinh doanh lữ hành là một dạng kinh doanh có điều kiện, phải được cấp phép.
Người hoạt động kinh doanh lữ hành phải am hiểu về hoạt động lữ hành, hiểu tính chất hoạt động du lịch và phải có kiến thức pháp luật, kiến thức xử lý các tình huống có liên quan, phải được đào tạo, người điều hành trực tiếp phải có vốn kiến thức này.
Thêm vào đó, người hoạt động kinh doanh lữ hành phải có vốn, có nguồn nhân lực, tức buộc phải có hướng dẫn viên. Vì vậy, việc quy định các điều kiện để kinh doanh lữ hành phải chặt chẽ hơn, đảm bảo các hoạt động này được kiểm soát vì liên quan đến con người, ngoại giao, an ninh quốc gia...
Ngoài ra, trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận về dự án Luật Thủy lợi.
Mai Lan