Trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) với đa số phiếu tán thành. Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 10 chương, 213 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân (gọi chung là doanh nghiệp). Luật cũng quy định về nhóm công ty; trình tự đăng ký doanh nghiệp; nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tài sản góp vốn…
Đồng thời, Luật này cũng bãi bỏ đề nghị doanh nghiệp cung cấp mã ngành khi thực hiện đăng ký kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp không bị hạn chế số lượng ngành nghề hoạt động kinh doanh. Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015
Luật Đầu tư (sửa đổi) gồm 7 chương, 76 điều, quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. Luật cũng sửa đổi, bổ sung ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.
Luật cũng giao Chính phủ rà soát các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo thủ tục rút gọn; giao Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, quy trình thực hiện thẩm định dự án do Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015.
Thảo luận về Dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), các đại biểu bày tỏ đồng tình về sự cần thiết sửa đổi luật này một cách đồng bộ, toàn diện cho phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 và vai trò của kiểm toán Nhà nước trong tình hình mới. Về nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước, nhiều đại biểu tán thành với quy định: Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội là 5 năm; khi hết nhiệm kỳ, Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Đối với quy định về kiểm toán thuế, một số đại biểu cho rằng, Dự án Luật nên quy định đơn vị được kiểm toán là "các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế" nhằm hạn chế tình trạng trốn lậu thuế, nợ đọng thuế đang diễn ra khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị, Dự luật cần quy định, kiểm toán công tác quản lý thu ngân sách tại cơ quan thuế để bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào Ngân sách Nhà nước, chống trốn lậu thuế. Nếu trong quá trình kiểm tra, phát hiện đơn vị có nghĩa vụ nộp thuế có sai phạm sẽ kiểm toán thêm.
Một số đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, kết luận của kiểm toán vẫn chỉ là những kiến nghị, chưa có giá trị hành chính và pháp lý để xử lý đơn vị vi phạm. Do đó, cần nâng cấp giá trị báo cáo, kết luận của kiểm toán Nhà nước lên một mức cao hơn để các đơn vị được kiểm toán phải thực hiện. Nhiều đại biểu cho rằng, việc kiểm toán cần tập trung vào các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc nhà nước nắm cổ phần chi phối…
Chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế và thảo luận ở hội trường về dự án Luật an toàn vệ sinh lao động.
Mai Lan