Ngày 19/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật thú y. Trong ngày, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật tạm giữ, tạm giam.
Thảo luận về dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, có 20 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung: Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; Về bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Về tổ chức bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; mô hình tổ chức của Cơ quan điều tra; trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an; Về tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên và Cán bộ điều tra; bổ sung quy định nhằm bảo đảm sự phối hợp, kiểm soát giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.
Thảo luận về dự án Luật tạm giữ, tạm giam, các đại biểu đã tập trung phân tích làm rõ các vấn đề: Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; Về cách thức quy định quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam; cách thức quản lý đối với người bị kết án tử hình bị tạm giam; Về mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành tạm giữ, tạm giam; Về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong kiểm sát hoạt động thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam.
Đinh Ngọc