Ý tưởng ấy của đồng chí Đinh Văn Hùng, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, trong buổi Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình gặp mặt anh em văn nghệ sĩ đã được giao cho Ban Tuyên giáo trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Ngày 26/5, một ngày nắng vừa đủ, mát vừa đủ để làm nên thiên thời, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức chuyến đi 3 ngày cho một số văn nghệ sĩ trực tiếp cầm bút, bấm máy và cầm cọ vẽ thâm nhập thực tế.
Mọi chuẩn bị đã hoàn tất, 17 anh chị em văn nghệ sĩ cùng cả đoàn theo lịch trình nhắm hướng Khu du lịch văn hóa lịch sử và tâm linh Tràng An, Bái Đính thẳng tiến. Chừng chiếc xe cũng như lòng người khoan thai, len lỏi vào miền núi non trùng điệp Hoa Lư bằng con đường bê tông hiện đại mới mở, khi rập rờn cùng sóng lúa, sóng cây trong thung lũng, khi trườn bò uốn lượn theo con sông lịch sử huyền thoại Sào Khê, nơi Lê Hoàn khởi binh đi bình Chiêm, phạt Tống, nơi những đoàn thuyền cờ rong trống mở theo vua Lý rời đô, lúc lại xuyên hầm qua núi để đến Bàn Long, Ghềnh Tháp..., những cái tên tự ngàn xưa đã làm say đắm lòng người.
Khu du lịch Tràng An, Bái Đính chưa hoàn thành, thế mà có ngày đã lên tới hàng chục nghìn du khách. Đoàn xuống thuyền, chừng mỗi người đều đã thả hồn hòa đồng cùng mây trời non nước kỳ thú, như vừa trút đi mọi căng thẳng, mệt mỏi gấp gáp của phố thị ồn ào. Đoàn thuyền nối đuôi nhau hết vào động lại ra thung suốt mấy tiếng đồng hồ, cả Tràng An như một chiếc điều hòa khổng lồ của trời đất để đưa con người vào cõi an nhiên tự tại. Nghe đâu còn gần ba chục cái động chưa được khai mở, mà có cái dài đến 2 km, thông được tới tận chùa Bái Đính, thế mới biết tiềm năng của Khu du lịch Tràng An còn phong phú vô cùng... Ở đây, mỗi lòng thung rộng như những hồ nước mênh mông, đã được đào sâu vượt đất thành những gò, những cù lao mà trên đó có thể xây những biệt thự, nhà nghỉ, khu dịch vụ cao cấp, đủ sức hấp dẫn để níu chân du khách nghỉ dưỡng dài ngày... Điểm cuối hành trình, thuyền cập bến, Đoàn tiếp tục lên xuống 365 bậc núi để đến được đền Trần, đền thờ tướng quân Trần Quý Minh, danh tướng tài ba thời vua Hùng thứ 18 đã có công dẹp giặc trấn ải phương Nam. Đền có những cột đá được chạm bong từ thế kỷ thứ XVII mà vẫn sắc nét tươi mới. Chiêm bái, nghỉ ngơi xong rồi lại ngược 365 bậc vượt núi ra thuyền.
Mô hình Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính.
Thuyền ngược ra qua những thung khác, động khác mới lạ, hấp dẫn du khách cho tới khi đặt chân lên bờ. Bước chân lên bến ai cũng trầm trồ: "Tuyệt vời", chỉ đôi điều còn mong muốn, vướng bận: Giá tiến độ phải nhanh hơn, đồng bộ hơn, vì thời gian là vàng mà. Mặt khác, đôi chỗ động còn có cảm giác thiếu an toàn, cần được khảo sát gia cố bền vững. Rồi nữa, những chị em chèo đò cần được đào tạo để họ đồng thời là những người quảng bá hình ảnh cho Khu du lịch này. Đoàn tạm dừng chân ăn trưa. Đầu giờ chiều xe đưa Đoàn tới chùa Bái Đính, qua chùa Thượng, chùa Hạ rồi gác chuông. Mặc dù còn ngổn ngang công việc xây lắp nhưng cũng đã hiện rõ tầm vóc của một trong những trung tâm tín ngưỡng Phật giáo lớn nhất Đông Nam Á.
Khép lại ngày đầu thật hấp dẫn, mọi người đều phấn chấn lạc quan mà có thể chốt lại bằng 2 từ với khẩu khí sân khấu của nhà viết kịch Ngọc Cương: "Bái phục". Ngày thứ hai, anh chị em được về với một thị xã công nghiệp - thị xã Tam Điệp. Thật trọng thị, Ban Thường vụ Thị ủy đón chúng tôi không chút xã giao vì toàn những người quen biết hoặc thân thiết từ lâu. Vào hội trường, chưa kịp ráo mồ hôi, anh Trịnh Đức Tính, Bí thư Thị ủy đã nói ngắn gọn chưa đầy 10 phút nhưng rất súc động và súc tích về chân dung một thị xã đang lên với hình tượng "Quang Trung thần tốc". Anh nhấn mạnh: Mọi kết quả vượt bậc đều bắt nguồn từ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, năm 1992, tỷ lệ công nghiệp là 24,27%, đến nay đã là 75%. Anh tha thiết mời các văn nghệ sĩ hãy đi và viết về Tam Điệp, rồi mời Đoàn đi thăm dự án sân gold 54 lỗ đang khẩn trương triển khai.
Xe chúng tôi đi qua những con đường qua phường, xuống xã được mở rộng thênh thang bằng bê tông, chiếu sáng bằng đèn cao áp. Anh chỉ cho tôi ngôi nhà cao tầng, trụ sở của một UBND phường có kiểu dáng chẳng khác gì những trụ sở huyện, thị vài năm trước. Xe đã vào sân Ban quản lý dự án sân gold, đón chúng tôi là anh Hoàng Chí Bằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư PV-INCONESS. Anh Bằng nói sơ qua về dự án rồi mời chúng tôi lên xe đi tham quan những hạng mục sắp hoàn thành. Một không khí náo nhiệt và khẩn trương, nơi thì xây lắp, chỗ san ủi, trồng cỏ, chỗ các cháu con em người địa phương ăn mặc đồng phục đang được chuyên gia hướng dẫn học tập nghiệp vụ tại hiện trường...
Quy hoạch sân gold hiện đang là vấn đề nhức nhối của nhiều địa phương, nào là quy hoạch treo, hoặc có tỉnh sử dụng đất 2 lúa cho dự án hàng chục sân gold..., gây những hậu quả không nhỏ cho kinh tế - xã hội. Với sân gold Tam Điệp thì khác, nó được đặt trên một vị trí thật đắc địa, 170 ha trên đất sỏi đá bạc màu lẫn đá gốc, nên chỉ có thể trồng sắn mà chẳng mấy hiệu quả, nay mở sân gold 54 lỗ, một trong những sân gold lớn nhất Đông Nam Á, với hiệu quả trực tiếp do nó mang lại đã là to lớn, nhưng có lẽ lợi ích gián tiếp là thu hút đầu tư, du lịch dịch vụ cho cả Ninh Bình và các tỉnh phụ cận trong khu vực, thì giá trị kinh tế - xã hội còn to lớn hơn nhiều. Hai tháng nữa, hạng mục 18 lỗ đi vào khai thác, và hai năm nữa sẽ khánh thành toàn bộ 54 lỗ với cả khu khách sạn, dịch vụ, tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng, ghi dấu ấn đậm nét trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa Ninh Bình.
Sân Golf 54 lỗ Hồ Yên Thắng.
Rời sân gold về Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, nơi cách đây vừa tròn 50 năm Bác Hồ kính yêu đã về thăm và làm việc với Nông trường Đồng Giao, tiền thân của Công ty. Từ đó nhiều thế hệ CB, CNV nối tiếp nhau thi đua làm theo lời Bác. Anh Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Nhà máy đã trang bị 2 dây chuyền hiện đại để chế biến dứa, vải, ngô..., nguyên liệu của Công ty trồng trọt và của các tỉnh phụ cận cung cấp. Để thỏa mãn việc chế biến nguồn hoa trái phong phú của đồng bằng sông Cửu Long, theo gợi ý của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Công ty đã xây dựng cơ sở 2 ở Kiên Giang để thu hút nguyên liệu, không ngừng mở rộng sản xuất. Hàng xuất khẩu của Công ty đã có mặt ở 6 nước, năm 2008 không kể thị trường nội địa, đạt giá trị xuất khẩu 7 triệu USD.
Chia tay Tam Điệp về với Khu công nghiệp Gián Khẩu, đúng 14 giờ Đoàn có mặt tại phòng khách của Tập đoàn xi măng The Vissai, rồi sau đó, tới thăm phòng điều khiển sản xuất dây chuyền 1 hoàn toàn tự động, chỉ với 5 cán bộ, công nhân và 5 máy tính trong phòng lạnh, các chỉ tiêu: vật liệu, nhiệt độ, phụ gia, độ mịn của hạt đều được hiện rõ trên màn hình, nên độ chính xác gần như tuyệt đối. Thăm dây chuyền thứ 2 đang được thi công một cách sáng tạo, khẩn trương, triệt để lợi dụng mặt bằng, bằng việc thi công xen kẽ: chỗ xây đúc, nơi lắp đặt thiết bị nên tiến độ nhanh, đồng bộ và nhịp nhàng. Khi hoàn thành, cả 2 dây chuyền đưa vào sản xuất, ngoài việc mang lại lợi nhuận lớn cho tập đoàn, sẽ còn đóng góp cho ngân sách địa phương hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Nhiều ý kiến băn khoăn về môi trường và tính bền vững, mà hầu hết các khu công nghiệp hiện nay đang gây bức xúc, Tổng Giám đốc cũng đã có những kiến giải. Khí thải đã vậy còn nước thải của từng dự án và toàn Khu công nghiệp thì sao? Chắc chắn đây là một vấn đề khoa học, phải có thời gian chứ không thể thỏa mãn bằng cách giải đáp đơn giản ít phút là được.
Rời Xi măng The Vissai, chúng tôi tới thăm Xí nghiệp sản xuất đồ mộc xuất khẩu của Giám đốc Hà Tài Anh, anh là người yêu thơ, làm nhiều thơ, nên khi gặp văn nghệ sĩ là hòa hợp, thân thiện ngay. Anh hồ hởi kể với mọi người: Là xí nghiệp tư nhân, nên làm gì cũng phải tính toán kỹ hiệu quả, tôi có 2 con trai, cháu học Thương Mại, cháu học Bách Khoa đều học thêm ngoại ngữ, một giỏi tiếng Anh, một giỏi tiếng Trung, về làm việc cho bố nên mọi giao dịch và khởi thảo hợp đồng kinh tế với bạn hàng nước ngoài đều do các cháu đảm nhiệm, dần dà rồi sẽ giao trực tiếp cho đàm phán ký kết. Vì vậy, mọi việc đều nhanh chóng, chớp được thời cơ, lại giữ được bí mật kinh doanh nên lợi lắm. Anh khoe với chúng tôi: 3 tháng đầu năm tôi đã nộp cho ngân sách 3 tỷ đồng.
Đến Công ty ô tô Thành Công, chúng tôi được anh Tín, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty ô tô Thành Công đã trở thành đại diện độc quyền của tập đoàn HYUNDAI Hàn Quốc tại Việt Nam, chuyên lắp ráp, tiến tới sản xuất sản phẩm cho HYUNDAI. Mới bước vào hoạt động nhưng Công ty cũng đã nộp ngân sách địa phương hàng chục tỷ đồng... Chúng tôi kết thúc ngày thứ 2 sau những tiếp xúc, những dịch chuyển liên tục, khẩn trương và hấp dẫn. Các văn nghệ sỹ thường pha chút lãng đãng, nhưng tới đây cũng đã hòa nhập được với tác phong công nghiệp thực thụ.
Ngày thứ 3, Đoàn về thăm vùng kinh tế biển và tuyến đê biển Kim Sơn. Trên đường đi từ thành phố Ninh Bình đã được chứng kiến những nhà xưởng mọc lên san sát 2 bên đường 10 tới tận Khánh Cư. Đó là niềm vui đang được nhân lên hàng ngày cùng với tiến độ lấp đầy Khu công nghiệp Ninh Phúc. Xe chúng tôi tới Huyện ủy Kim Sơn lúc 8 giờ 30, vì trời nóng, đường ra biển còn xa, chúng tôi nghỉ ngơi ít phút rồi đi thăm cơ sở. Xe bon bon trên đường men theo con sông Ân, rồi sông Cà Mâu, giữa những cánh đồng bằng phẳng, phì nhiêu, thẳng cánh cò bay hướng theo những con kênh cần mẫn chở nặng phù sa từ thời cụ Nguyễn Công Trứ.
Hàng chiếu cói Kim Sơn
Vừa chạm con đê Bình Minh 2 đã thấy mát rượi và sực nức vị biển. Mặt đê bê tông bằng phẳng, biển hút hồn người, nên như thoáng chốc xe đã đi hết 24 km đê mà cứ như một cuộc dạo chơi. Các con đê Bình Minh 2, Bình Minh 3 mở ra thêm sự giàu có bằng 3.500 ha lúa, cói và nuôi trồng thủy sản. Riêng đê Bình Minh 2 đã hội đủ điều kiện: về chiều cao, độ dày và sự ổn định để được đầu tư trên 200 tỷ đồng bê tông hóa. Nó đủ sức chống đỡ khi gặp triều cường và bão cấp 12, đảm bảo an toàn và sự phát triển cho dân sinh, kinh tế và an ninh quốc phòng vùng biển.
Chúng tôi tới trại nuôi tôm rộng 4 ha của ông Doãn Văn Thắng, thương binh chỉ còn 45% sức khỏe. Ông Thắng cho biết: Trung bình mỗi ha thu 280 triệu đồng/năm, trừ mọi chi phí còn lãi ròng 100 triệu đồng và lo được công ăn việc làm cho hàng chục người có mức lương từ 1,6 đến 3 triệu đồng. Trại của ông Nguyễn Văn Môn nuôi con giống tôm sú và cá bống bớp theo công nghệ mới, cũng với lãi suất hàng trăm triệu đồng/ha, và lo đủ công ăn việc làm cho hàng trăm con người có thu nhập khá. Không chỉ bằng vùng chuyên canh cói 700 ha cho nghề chiếu cói, mà còn khai thác bèo tây tự nhiên nhiều vô tận trên hệ thống sông ngòi chằng chịt, làm nên nguồn nguyên liệu phong phú để sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu cho 5 doanh nghiệp, kéo theo là những "vệ tinh" thu hút tới hàng vạn lao động làm hàng xuất khẩu, lợi nhuận cao, lại có thu nhập khá ổn định quanh năm cho người lao động.
Tới doanh nghiệp Quang Minh sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu bằng bèo tây, tôi sực nhớ ra, năm ngoái, bạn tôi - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhờ liên hệ giới thiệu cho một bạn hàng từ Liên bang Nga đến đàm phán ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tôi thật sự bị thuyết phục bởi sức sáng tạo và bàn tay tài hoa của người Kim Sơn, biết biến cả những thứ hoang dại thành vàng. Anh Phương lại say sưa kể về dự kiến một cây cầu Liên Thanh bắc tới Cồn Nổi phía Hòn Nẹ ngoài khơi, nơi thềm cát đẹp có thể làm bãi tắm tuyệt đẹp... làm tôi liên tưởng đến một vùng du lịch trên miền quê trù phú, thơ mộng.
Chia tay Kim Sơn, dẫu không đi được nhiều, nhưng chúng tôi cũng đã hình dung ra con đường đi lên của Kim Sơn là đúng hướng, khai thác nhanh tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển đồng bộ việc khai thác kinh tế biển với sản xuất thủ công nghiệp và nông nghiệp hàng hóa, đồng thời đảm nhiệm việc tự cân đối và đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn toàn tỉnh.
Kết thúc chuyến đi, anh, chị em văn nghệ sỹ đều bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã coi việc quan tâm chăm lo bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ như chăm lo tới thực thể văn hóa quê hương. Đó sẽ là sự cổ vũ, động viên, là nguồn cảm hứng to lớn và cũng là dấu ấn tốt đẹp trong cuộc đời sáng tạo của mỗi người.
Lâm Xuân Vi
(Ghi chép chuyến đi thực tế của anh, chị em văn nghệ sĩ Ninh Bình)