Theo lịch trình, sau Lễ truy điệu, đoàn xe đưa Linh cữu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang rời Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông- Hà Nội ra cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ về qua cầu Non Nước vào địa phận thành phố Ninh Bình. Ngay đầu cầu Non Nước, cây cầu tiếp giáp giữa tỉnh Nam Định và thành phố Ninh Bình, từ đầu giờ sáng, đã có rất đông người dân trong và ngoài tỉnh tập trung chờ đón đoàn xe chở Linh cữu Chủ tịch nước đi qua.
Ông Nguyễn Bá Thủy, xã Gia Minh, huyện Gia Viễn cho biết, ông cùng mấy người bạn đi từ 7h sáng xuống điểm chờ cầu Non Nước (thành phố Ninh Bình) để được nhìn tận mắt linh cữu và nói lời vĩnh biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang. "Không quản ngại mưa gió, thời gian chờ đợi lâu, sau hơn 3h, tôi và hàng nghìn người dân Ninh Bình đã được nhìn thấy linh cữu, kính cẩn cầu nguyện và gửi lời chào vĩnh biệt người con ưu tú của quê hương Ninh Bình về an nghỉ cõi vĩnh hằng…" - ông Nguyễn Bá Thủy nói.
Hàng vạn người dân Ninh Bình chờ đón Chủ tịch nước về với đất mẹ. Ảnh: MĐ
Thành phố Ninh Bình trưa 27/9, những cơn mưa nặng hạt không ngăn được tình cảm của người dân thành phố Ninh Bình chờ đợi đón Linh cữu Chủ tịch nước về quê nhà. Dọc con đường đoàn xe đi qua như Lương Văn Thăng, Trần Hưng Đạo, người dân thành phố rất trật tự theo hàng lối, trang phục chỉnh tề, mắt dõi theo, đón chờ phút được nhìn thấy Linh cữu và tiễn biệt Chủ tịch nước. Qua cầu Lim xuôi Quốc lộ 10 về Kim Sơn… các tầng lớp nhân dân đứng chật hai bên đường, cùng nhiều cờ phật, cờ tang, ảnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang... để tỏ lòng thương tiếc tiễn đưa người con ưu tú của quê hương về với đất mẹ.
Linh cữu chủ tịch nước về đến Ninh Bình. Ảnh: ĐL
Mấy ngày sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, tại các địa phương trong tỉnh, dù chưa công bố Quốc tang nhưng mọi hoạt động vui chơi, giải trí đều được người dân tự giác dừng lại, bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với người con ưu tú của quê hương Ninh Bình đã ra đi mãi mãi. Chiều ngày 27/9, trời Kim Sơn buồn thương và ảm đạm. Con đường dẫn về xóm 13, xã Quang Thiện - nơi Chủ tịch nước Trần Đại Quang được an táng - người dân khắp nơi đổ về với sự tiếc thương không nói thành lời. Ai cũng muốn được tận mắt lần cuối nhìn thấy linh cữu Chủ tịch nước, được thắp nén hương tỏ niềm thương tiếc và tri ân với người lãnh đạo đất nước Việt Nam và cũng là người con của quê hương Anh hùng đã rời xa cõi tạm.
Hội Phật tử đến từ tỉnh Nghệ An về viếng Chủ tịch nước. Ảnh: MQ
Trong dòng người đổ về quê hương Kim Sơn có đầy đủ các tầng lớp nhân dân, các thành phần, lứa tuổi, trong tỉnh có, ngoài tỉnh có...Ai cũng muốn đến thật gần để được nói lời tiễn biện với vị Chủ tịch nước đáng kính. Đối với Truongf THPT Kim Sơn B - ngôi trường Chủ tịch nước đã từng theo học, các thầy, cô giáo và các em học sinh trong đồng phục tang lễ đứng gọn 2 bên đường chờ đoàn xe chở Linh cữu Chủ tịch nước đi qua. Nhiều em không giấu được xúc động.
Ông Đinh Văn Thế, xã Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan) cho biết, do không có điều kiện xuống xóm 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn dự lễ an táng Chủ tịch nước, nên ông và nhiều người dân trong thôn đã ở nhà dõi xem truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Mọi người rất xúc động khi nghe Điếu văn do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại Lễ truy điệu, khẳng định Chủ tịch nước là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất của Đảng; thương yêu đồng chí, đồng bào; thực sự cầu thị, khiêm tốn, học hỏi, trân trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp; luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; được đồng chí, đồng bào quý mến, bạn bè quốc tế trân trọng. Đảng và Nhà nước đã ghi nhận, trao tặng đồng chí nhiều Huân, huy chương cao quý và Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. "Điều chúng tôi nhận thấy ở Chủ tịch nước Trần Đại Quang là sự quan tâm đến cuộc sống của mọi người dân, nhất là những gia đình chính sách, người có công, gia đình nghèo; chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo; coi trọng vấn đề an ninh, quốc phòng…"
Người dân chờ vào viếng Chủ tịch nước. Ảnh: TG
Tại Lễ an táng tiễn đưa Chủ tịch nước về nơi an nghỉ cuối cùng, những người bạn, người thân, anh em đồng môn, bà con lối xóm… lại cùng nhau chia sẻ về những kỷ niệm thời niên thiếu nơi quê nhà của Chủ tịch nước. Chúng tôi gặp người bạn cùng học với Chủ tịch nước từ thời Tiểu học đến THPT. Đó là ông Phạm Văn Nam, xóm 13, xã Quang Thiện. Trong niềm xúc động, ông Nam cho biết, ông ngưỡng mộ bạn mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ông tâm sự: "Một kỷ niệm mà tôi rất phục anh ấy là việc anh ấy rất thông minh đề xuất việc dựng trước mái nhà để học. Đó là những năm học cấp ba tại Trường THPT Kim Sơn B, khi đó ở xã Ân Hòa, trường bị kẻ xấu đốt cháy toàn bộ trường, học sinh không có nơi để học, nhà trường huy động mỗi học sinh đóng góp chục cây tre, 50 cây điền thanh và 3 bó rạ để dựng trường học. Nếu chờ dựng hoàn thiện một phòng học thì mất thời gian khá lâu, nên anh ấy đã sáng kiến chỉ dựng trước mái nhà để học và nhanh chóng huy động tất cả học sinh dựng ngay các mái phòng học tạm để học cho kịp chương trình, sau đó mới dựng nốt các phần xung quanh của phòng học."
Chủ tịch nước luôn trong trái tim của người dân Ninh Bình. ẢNh: TG
Chẳng phải những người bạn học cùng lớp mới có nhiều kỷ niệm với Chủ tịch nước, mà với nhiều học sinh khóa trước và khóa sau của trường cấp 3 Kim Sơn B ngày ấy, hình ảnh cậu học trò cao gầy, quần áo lúc nào cũng cộc tớn, học giỏi, thông minh và luôn tự lập. Nhiều khi đi học về muộn, nhiều người bạn có xe đạp muốn cho Chủ tịch đi nhờ, nhưng hầu hết ông đều từ chối và nói mình sẽ đi nhanh bằng người đi xe đạp, rồi bước đi nhanh nhẹn vượt cả người đi xe đạp. Đó mãi mãi là một hình ảnh đẹp và đáng nhớ về thời học sinh của cố Chủ tịch nước đáng kính.
Hôm nay đây, đi đón người con ưu tú của quê hương trở về đất mẹ, đã có bao giọt nước mắt rơi. Các ông bà nay đã vào tuổi xưa nay hiếm, các cô chú đồng tuổi với Chủ tịch nước, những người đáng tuổi em, tuổi cháu, tuổi con của Chủ tịch nước đều chung tâm trạng và một nỗi buồn thương da diết trước mất mát to lớn. Có những người từng được gặp, từng được tiếp xúc và biết về Chủ tịch nước, có những người chỉ mới được xem và biết qua truyền hình hoặc nghe kể chuyện lại, những tất cả đều mang ấn tượng đẹp về hình ảnh một người lãnh đạo gần dân, sống trách nhiệm, nghĩa tình, luôn hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Đưa Chủ tịch nước về với đất mẹ. Ảnh: TM
Với tấm lòng kính trọng, biết ơn và niềm tiếc thương vô hạn với Chủ tịch nước, những người con quê hương Ninh Bình biến đau thương thành hành động, nguyện đoàn kết một lòng, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới đất nước.
Mỹ Hạnh