Về quê để khởi nghiệp
Một ngày tháng ba, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá "sông trong ao" của lão nông Bùi Thanh Nghị. Ở độ tuổi gần 70 nhưng ông Nghị vẫn "hăng" lắm, vẫn xắn quần đắp bờ, đào ao thả cá. Cái "chất" cương cường trong ông toát lên qua cung cách làm ăn của một người khát khao trở về quê để cống hiến.
Ông bảo: "Trở về quê khi tuổi đã xế chiều, bạn bè, anh em, con cháu khuyên tôi nên nghỉ ngơi an dưỡng. Cũng có người lại nói: chỉ có tuổi trẻ người ta mới "khởi nghiệp" vì không phải ai cũng "thuận buồm xuôi gió" để đi đến đích, ở đó với sức trẻ con người có thể chấp nhận những rủi ro". Song tôi lại nghĩ khác: khi mình còn sức lực thì còn cống hiến, làm giàu cho mình cũng chính là làm giàu cho quê hương. Với tôi, trở về quê hương chưa bao giờ là muộn để khởi nghiệp".
Câu chuyện của lão nông Bùi Thanh Nghị cuốn hút chúng tôi bởi những sẻ chia "gan ruột": Sinh năm 1956, quê gốc ở thôn Hồng Quyển, xã Gia Hòa (Gia Viễn). Thời trai trẻ, cũng như bao thanh niên làng Hồng Quyển, ông Nghị hăng hái lên đường nhập ngũ. Sau thời gian phục vụ trong quân đội, ông chuyển ngành, rồi về làm việc tại Công ty Ong Nam Định.
Những 1990, nền kinh tế của đất nước vừa bước qua khỏi thời kỳ bao cấp với chồng chất những khó khăn, gia đình ông Nghị cũng không nằm ngoại lệ. Vốn là người nhanh nhạy, hoạt bát nên ngoài tham gia làm ở công ty Ong Nam Định, ông còn mở một xưởng gia công bánh kẹo. Xưởng gia công làm ăn khấm khá, ông Nghị có điều kiện nuôi con học hành thành tài. Nay hai người con của ông đều trưởng thành và có việc làm ổn định tại Hà Nội. Đều đặn, xưởng gia công bánh kẹo cũng giúp ông Nghị thu ngót nghét 1 triệu đồng/ngày.
Những tưởng giờ cuộc sống an nhàn và hai thân già chỉ việc hưởng thụ, thì bỗng một ngày, ông Nghị bàn với vợ rồi quyết định: Đóng xưởng gia công bánh kẹo, gom tất cả tài sản, cả tiền tiết kiệm dưỡng già của hai ông bà về quê Ninh Bình để "khởi nghiệp".
Vậy là với tất cả vốn liếng sau 45 năm làm lụng nơi đất khách, ông Nghị cùng vợ "khăn gói" về quê và quyết định đào ao thả cá - một việc mà ông và vợ chưa từng kinh qua. Đặc biệt hơn cả là mô hình của ông cũng chưa từng có ai làm ở trên đất Gia Hòa cũng như trên đất Gia Viễn, đó là mô hình nuôi cá "sông trong ao".
Chia sẻ về cách lựa chọn mô hình mới để khởi nghiệp, ông Nghị cho biết: Gia đình tôi có người em trai sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản cá nước ngọt theo phương thức chăn nuôi truyền thống. Hàng năm, vào mỗi dịp thu hoạch cá, tôi thường về để hỗ trợ thu hoạch.
Sau nhiều lần trò chuyện và qua thực tế, tôi nhận thấy phương thức chăn nuôi truyền thống có nhược điểm lớn, đó là: độ rủi ro cao vì môi trường chăn nuôi phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, chi phí lớn, người nông dân rất vất vả, mất nhiều công chăm sóc và thu hoạch.
Tôi luôn nghĩ phải tìm ra được mô hình nào đó để người nông dân bớt lam lũ… Qua tìm hiểu sách báo và sau 6 tháng "chu du" ở Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, ông Nghị quyết định đầu tư mô hình nuôi cá "sông trong ao". Nguyên lý "sông trong ao", nghĩa là bằng máy móc và với thiết kế khoa học sẽ tạo ra dòng chảy liên tục trong ao, khiến cá được bơi ngược dòng như ở sông, vì vậy cá luôn vận động, săn chắc.
Theo ông Nghị, mô hình này có nhiều ưu điểm như: giúp người chăn nuôi quản lý tốt được sản lượng cá, không mất nhiều công sức trông nom, dễ dàng trong thu hoạch. Điều quan trọng là với hệ thống xử lý môi trường bảo đảm sẽ tạo ra nguồn cá thương phẩm sạch, thơm, ngon, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Ngay trong vụ đầu tiên, ông Nghị đã thu gần 30 tấn cá thịt, giá bán cao hơn giá so với con cá nuôi truyền thống trước đây.
Hiện tại, nguồn cá thương phẩm đã được xuất cho một số tư thương ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đánh giá về mô hình nuôi cá "sông trong ao" của lão nông Bùi Thanh Nghị, đồng chí Chủ tịch UBND xã Gia Hòa Vũ Đình Hai cho biết: Đây là lần đầu tiên xã Gia Hòa có nông dân mạnh dạn áp dụng mô hình này.
Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy đây là mô hình có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương thức nuôi cá truyền thống, trong tương lai mô hình này sẽ mở ra hướng đi mới cho phát triển nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Điều quan trọng là với một tư duy nhạy bén cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm của ông chủ mô hình sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho những nông dân yêu thích, đam mê và mong muốn làm giàu từ nghề nuôi trồng thủy sản. Chúng tôi cảm ơn tinh thần truyền lửa của ông Bùi Thanh Nghị.
Đưa tay chỉ cho chúng tôi về phía khuôn viên ao nuôi cá, lão nông Bùi Thanh Nghị thoáng chút trầm ngâm: Tôi trở về quê hương khi đã lớn tuổi và cha mẹ tôi không còn nữa. Nhưng ở đây, tôi có anh em, dòng họ, có những kỷ niệm tuổi thơ và thời trai trẻ. Với những tín hiệu tốt lành từ mô hình, tôi tin là sẽ tìm ra cách để giúp mình cũng như những người nông dân quê tôi có hướng đi mới trong phát triển kinh tế trên vùng đất trũng - Gia Hòa.
Về quê để thực hiện hoài bão
Khác với sự trở về của lão nông Bùi Thanh Nghị, anh Đinh Văn Việt, Giám đốc Doanh nghiệp Hồng Ngọc Pearl (xã Khánh Cường, Yên Khánh) lại trở về cố hương để thực hiện hoài bão với những viên ngọc trai sau rất nhiều nỗi truân chuyên nơi đất khách quê người.
Sinh ra tại Khánh Cường, sau này từng có cơ hội trở thành sĩ quan quân đội nhưng Đinh Văn Việt lại "rẽ ngang" sự nghiệp khi tiếp xúc với những chuyên gia sản xuất ngọc trai người Nhật. Anh Việt cho biết: Năm 1992, khi đang học sĩ quan tại Học viện Hậu cần, trong một chuyến cùng người thân theo Đoàn công tác của người Nhật đến vịnh Lan Hạ (Cát Bà) để khảo sát, hợp tác nghiên cứu nuôi trai cấy ngọc, anh đã thực sự cuốn hút với nghề này và quyết định từ bỏ trường sĩ quan để theo học nghề cấy ghép ngọc trai.
Không lâu sau đó Công ty Liên doanh ngọc trai Việt - Nhật được thành lập - đây là liên doanh nuôi trai lấy ngọc đầu tiên giữa Việt Nam và các đối tác Nhật Bản. Ông Tổng giám đốc công ty là người Nhật cũng đã sớm nhận ra ở anh Việt những tố chất của một nghệ nhân cấy ghép ngọc trai nên đã tận tình truyền "bí kíp" tổ nghề, sau đó tin tưởng giao cho anh trọng trách lớn: quyết định về mặt kỹ thuật nuôi, cấy ghép ngọc trai của Công ty.
Gắn bó với Công ty Liên doanh ngọc trai Việt - Nhật một thời gian, anh Việt nhận ra rằng giá trị của ngọc trai là quá lớn, một chuỗi ngọc trai tương đương với một cây vàng, thậm chí bằng một chiếc xe máy Dream thời đó. Do vậy, nhiều người Việt Nam hầu như chưa nghĩ và chưa được tiếp cận với những trang sức quý giá này. Với mong muốn mở rộng thị trường ngọc trai hơn nữa, anh Việt quyết định thành lập một công ty riêng của mình ở Hạ Long.
Anh Việt tâm sự: Tôi đam mê và mong muốn làm ra nhiều loại ngọc trai, vì vậy bao nhiêu vốn liếng, thời gian, công sức đều dành cho ngọc trai. Cũng chính vì đam mê nên tôi lao ra biển tìm ngọc với những ảo tưởng về ngành ngọc trai đến quên ăn, quên ngủ, thậm chí quên cả gia đình. Thế nên khi tôi làm ông chủ thì vợ tôi phải đi rửa bát thuê!
Trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2009, có những thời điểm tôi đã rất thành công khi tạo ra được nhiều ngọc trai với nhiều chủng loại đa dạng về màu sắc, kích cỡ. Song có không ít những thất bại bởi nghề tìm ngọc trai ở biển khơi bao la vốn tiềm năng nhưng cũng đầy rẫy rủi ro.
Năm 2009, địa điểm nuôi trai cấy ngọc của anh Việt nằm trong vùng quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh nên buộc phải di dời, cộng với thêm nhiều lý do khác nữa nên anh quyết định chuyển hướng về quê… làm nghề quay phim. Anh Việt nhớ lại: Về quê làm nghề quay phim được 6 tháng, tôi thấy mình như không phải là mình. Một lần nữa, tôi lại khăn gói vào khu đầm phá Tam Giang (Huế) để đeo đuổi giấc mơ tìm ngọc giữa biển. Nhưng rồi thời tiết miền trung đỏng đảnh, cộng thêm năm 2011 sau cơn đại hồng thủy cả vùng nuôi trai cấy ngọc (rộng 10 ha) lại bị ngọt hóa khiến trai chết hàng loạt, tôi trở thành kẻ trắng tay.
Trở về quê trên chuyến xe trong buổi chiều tà Huế mà lòng ngập tràn nỗi buồn, bởi bao nhiêu dự định, bao nhiêu lời hứa hẹn đều không có cơ hội thực hiện… Giấc mơ làm giàu về con trai nước mặn cũng tan thành mây khói! Trở về quê, đi dọc trên những triền đê sông Đáy, khi nhìn những nông dân mò cua, bắt trai dưới sông, anh Việt lại bị những con trai cuốn hút và nảy sinh ý tưởng tìm ngọc trai nước ngọt.
Anh đã thuê thợ, cùng họ lặn ngụp trên các sông từ Hòa Bình đổ về Ninh Bình, Yên Khánh để vẽ bản đồ phân bố số lượng con trai; triển khai hàng nghìn thí nghiệm cấy ghép ngọc trên các loài trai khác nhau; nghiên cứu quy luật đào thải nhân, xử lý các vấn đề về nguồn nước, mực nước, thủy lực dòng sông…
Sau nhiều thí nghiệm, năm 2013 con trai xanh cánh mỏng khi ghép mô tế bào nhân (làm từ vỏ trai cóc) đã bắt đầu nhả ngọc. "Tuy chưa được tròn trịa và màu sắc chưa được đẹp, song tín hiệu vui này chính là điểm nhấn để tôi phát triển ý tưởng làm ra những viên ngọc trai đẹp và nhiều màu sắc phong phú hơn"- anh Việt cho biết. Sau hơn 10 năm dày công thí nghiệm, anh Việt là người đầu tiên tìm ra con trai xanh cánh mỏng để cấy ghép lấy ngọc thành công, đồng thời đã tìm được những vị trí thích hợp và mổ cấy ghép thành công nhân ngọc trai kích thước 10mm, với tỷ lệ trai mẹ sống lên tới 70% (trong khi những công trình nghiên cứu trước đó, tỷ lệ trai mẹ ngậm ngọc sau cấy ghép chỉ đạt 20 - 30%).
Hiện Doanh nghiệp Hồng Ngọc Pearl đã làm chủ công nghệ và bắt đầu tạo được thương hiệu ngọc trai riêng như: ngọc trai tròn trang sức đẹp, bóng; ngọc trai cấy mô, ngọc trai hình tượng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc và một số tỉnh, thành trong nước. Công nghệ nuôi cấy ghép ngọc trai nước ngọt của anh còn được chuyển giao một phần lý thuyết cho Bangladesh.
"Những viên ngọc trai đầu tiên được thu hoạch ngay trên dòng sông Đáy quê hương với tôi như một sự khích lệ lớn lao, nó cũng nhắc tôi về thời gian, về những giọt mồ hôi mặn chát của những năm tháng truân chuyên nơi đất khách… Đó cũng là lý do để tôi quyết định thành lập Doanh nghiệp Hồng Ngọc Pearl ngay tại nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Khi tôi trình bày ý tưởng thành lập doanh nghiệp, lãnh đạo huyện Yên Khánh rất ủng hộ, họ thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho Doanh nghiệp có địa điểm lý tưởng để sản xuất. Sau nhiều năm gian nan khởi nghiệp, nay trở về quê tôi đã có được những yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để thành công- anh Việt chia sẻ.
Không dừng lại ở những thành công như hiện nay, anh Việt còn đang ấp ủ dự định mở rộng vùng sản xuất ngọc trai Yên Khánh, đưa sản phẩm ngọc trai nước ngọt Yên Khánh trở thành thương hiệu của tỉnh, của quốc gia, giúp người dân làm giàu từ ngọc trai. Đồng thời sẽ tiếp tục đầu tư để địa điểm sản xuất của Doanh nghiệp trở thành một trong những điểm đến cho du khách tham quan, mua sắm, nhất là cho các học sinh ưa trải nghiệm những vấn đề về sinh học, về bảo vệ môi trường thủy sản.
Chiều hè, tôi cùng anh Việt rảo bước đi trên bờ đê sông Đáy, trong dư vang của dòng nước chảy êm giữa đôi bờ, anh Việt hướng đôi mắt ra xa, ưu tư: Nghề ngọc trai đến với tôi như một duyên nợ. Nó đã cho tôi niềm đam mê, sự bản lĩnh kiên cường, song nó cũng lấy đi của tôi rất nhiều thứ. Trở về quê đối với tôi mà nói đó là cơ hội để tôi được nuôi dưỡng, thực hiện thành công những đam mê, hoài bão.
Tôi đã nhận nhiều ưu đãi từ quê hương, không có quê hương có lẽ không có Doanh nghiệp Hồng Ngọc Pearl bây giờ. Tôi hi vọng trong tương lai tôi sẽ tiếp tục được cống hiến, báo đáp được những ân tình mà đất và người quê hương đã mến thương, trao tặng
Bài, ảnh: Đinh Ngọc