Chuyến du đấu tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông đã kết thúc nhưng với thày trò huấn luyện viên Tuấn Anh thì đây là một chuyến đi đáng nhớ. Điều khiến giải đấu có sức quyến rũ với họ là vì đây là sân chơi lớn nhất của làng quần vợt quốc nội ở thời điểm hiện tại. Vả lại cũng không có quá nhiều cơ hội cho thày trò huấn luyện viên Tuấn Anh ở những sân chơi tầm cỡ này. Vì vậy, trong chuyến hành binh vào Tây Nguyên này, Trung tâm TDTT tỉnh quyết định cử đội hình mạnh nhất tham dự giải: Đinh Đức Trọng (U16), Trần Cao Sơn (U14), Trần Huy Hoàng, Lê Hữu Phúc (U12). Phải nói ngay rằng trước chuyến đi, dù thày trò huấn luyện viên Tuấn Anh có lạc quan đến đâu, họ cũng không dám tự tin về một kết quả cao tại giải đấu này. Bởi vì hơn ai hết họ cũng tự biết, quần vợt chuyên nghiệp Ninh Bình đang đứng ở đâu trên bản đồ quần vợt Việt Nam. Tuy nhiên thể thao thường có những lý lẽ riêng của nó và nhất là không thể thiếu những bất ngờ thú vị. Sự bất ngờ đến từ hai cái tên: Đinh Đức Trọng, Trần Cao Sơn. Tại giải này, hai tay vợt đất Ninh Bình lần lượt vượt qua vòng loại một cách khá tự tin và chỉ chịu dừng lại khi gặp phải những tay vợt sừng sỏ đến từ các trung tâm lớn như: Bình Dương, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... Kết quả chung cuộc họ mang về là hai chiếc huy chương đồng ở nội dung U16 và U14.
Kết quả giành vị trí thứ 3 chung cuộc có thể không làm thỏa mãn nhiều người hâm mộ môn quần vợt tỉnh Ninh Bình nhưng với đội tuyển quần vợt tỉnh đây là những chiến thắng cực kỳ có ý nghĩa. ý nghĩa ấy có thể nhìn từ ba góc độ:
Thứ nhất, đây là chiến thắng ghi nhận sự nỗ lực của cá nhân các tuyển thủ quần vợt Ninh Bình. Để chuẩn bị cho giải này họ đã phải có một thời gian dài tập luyện nghiêm túc và khá vất vả. Suốt nửa đầu tháng 4, mặc dù trời nắng nóng, thày trò huấn luyện viên Tuấn Anh đã không quản thời tiết, trằn mình tập luyện. Và sự chuẩn bị kỹ càng ấy không phải là không phát huy công hiệu khi thày trò họ phải thi đấu tại một tỉnh mà khí hậu khắc nghiệt như Đăk Nông.
Thứ hai, chiến thắng này phản ánh kết quả của quá trình đào tạo, cụ thể là kết quả của hoạt động đào tạo trẻ. Hai vận động viên Đinh Đức Trọng, Trần Cao Sơn là sản phẩm đào tạo "Made in Ninh Bình" thuần chất. Càng đáng quý hơn khi một trong hai tay vợt này không xuất phát từ môi trường thành thị nơi có điều kiện tập luyện đầy đủ mà xuất thân từ xã miền núi Cúc Phương, Nho Quan.
Ý nghĩa thứ ba, cũng được cho là ý nghĩa quan trọng hơn cả là chiến thắng này đánh dấu sự "hội nhập" sâu của quần vợt Ninh Bình trong sân chơi chuyên nghiệp đỉnh cao. Sau một thời gian dài kiên trì đầu tư cho đào tạo trẻ, quần vợt Ninh Bình đã thu được kết quả (dù khiêm tốn). Ninh Bình đã có vận động viên thi đấu và đạt giải.
Không chỉ ở những giải mở rộng mà ở cả các giải chuyên nghiệp đỉnh cao, các giải lớn (Giải quần vợt vô địch nam toàn quốc 2015).
Với tất cả ý nghĩa trên thì có thể nói cặp huy chương đồng của 2 tay vợt Ninh Bình giành được còn quý giá hơn một giải vàng. Nói "đồng" quý như "vàng" với quần vợt Ninh Bình là mang hàm nghĩa đó.
Phương Nam