Để tạo điều kiện cho môn quần vợt phát triển, Trung tâm TDTT tỉnh đã bước đầu tuyển chọn và đào tạo các vận động viên quần vợt thi đấu đỉnh cao. Theo Huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Anh, môn quần vợt hiện có 6 vận động viên (trong đó 5 vận động viên năng khiếu (từ 12 đến 16 tuổi), 1 vận động viên đội tuyển). Người được đào tạo lâu nhất là trên ba năm, người sớm nhất là 2 năm. Để tạo điều kiện tuyển chọn những vận động viên tài năng, hàng năm Trung tâm TDTT tỉnh đều tiến hành tìm kiếm và tuyển bổ sung các tay vợt mới, đồng thời 6 tháng một lần cũng kiểm tra, thanh loại những vận động viên không đạt chất lượng. Thực hiện chặt chẽ quy trình tuyển chọn đào tạo vận động viên, bước đầu bộ môn quần vợt Ninh Bình đã có những gương mặt mang lại những triển vọng. Tại giải quần vợt Thanh Hóa mở rộng, các tay vợt Tạ Văn Minh và Đinh Tuấn Anh lần lượt giành Huy chương vàng và Huy chương đồng lứa tuổi U16. Còn tại Giải vô địch quần vợt toàn quốc, các tay vợt trẻ Ninh Bình cũng đã chơi tiến bộ và vào đến vòng 1/8.
Hiện đội hình bộ môn quần vợt Ninh Bình có vận động viên Tạ Quốc Bảo đang ở phong độ vợt trội so với các tay vợt khác. Tạ Quốc Bảo từng thi đấu và giành chức vô địch U18 Quốc gia đơn nam, có tên trong Đội tuyển trẻ Quốc gia. Hiện Quốc Bảo đã hết tuổi thi đấu giải trẻ nên được Trung tâm TDTT tỉnh gửi vào Trung tâm TDTT Bình Dương để đào tạo. Việc gửi vận động viên đi đào tạo là do ở Ninh Bình vận động viên Tạ Quốc Bảo không có đối thủ làm đối trọng để tập luyện nâng cao phong độ. Do vậy việc gửi Tạ Quốc Bảo đi đào tạo tại Bình Dương nhằm tạo điều kiện cho anh phát triển tài năng hơn nữa.
Thực tiễn phát triển môn quần vợt cho thấy, nếu so với nhiều tỉnh, Ninh Bình có cơ sở vật chất và hệ thống sân bãi dành cho tập luyện quần vợt tương đối tốt. Mặt khác, các chế độ về tiền lương, tiền thưởng cho vận động viên đảm bảo. Do vậy, trở ngại rõ ràng không hoàn toàn ở chuyện kinh phí. Điểm yếu ở quần vợt Ninh Bình là ở chỗ người dân làm quen với môn này tương đối muộn, số người tập luyện chưa nhiều, nên không thể nói đến chuyện tuyển chọn những tài năng xuất sắc khi mà nguồn vận động viên không nhiều. Nhược điểm này gần đây đã dần được khắc phục với việc Liên Đoàn quần vợt tỉnh tổ chức các giải đấu, qua đó tạo phong trào tập luyện thường xuyên và mạnh mẽ trong cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
Tuy nhiên, đối với quần vợt đỉnh cao, muốn phát triển nhanh và mạnh cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa. Ngoài việc tích cực huy động các nguồn lực đầu tư cho môn quần vợt cần tham khảo kinh nghiệm của các tỉnh khác về một số lĩnh vực như: thuê huấn luyện viên giỏi về huấn luyện chuyên sâu cho vận động viên năng khiếu, vận động viên trẻ; mở các lớp đào tạo vận động viên ở tất cả các hạng; gửi người đi đào tạo tại nước ngoài; nâng chế độ đãi ngộ…
Kinh nghiệm của một số tỉnh đi trước cho thấy, với điều kiện thực tế Ninh Bình nếu được đầu tư tốt, hoàn toàn có thể phát triển môn quần vợt theo kịp các tỉnh có phong trào quần vợt mạnh trong một thời gian không xa.
Phương Nam