QR1 là giống lúa thuần chất lượng cao nhập nội do
Viện Di truyền Nông nghiệp, nhóm tác giả DA 15 và doanh nghiệp Hồng Quang phối hợp chọn lọc, khảo nghiệm từ vụ đông xuân năm 2007. Qua nhiều vụ sản xuất cho thấy đây là một giống lúa có nhiều ưu điểm. Năm 2011, giống lúa QR1 chính thức được công nhận là bộ giống lúa Quốc gia. Qua các vụ khảo nghiệm tại Yên Khánh, các nhà khoa học đều khẳng định: Giống lúa QR1 là giống lúa cảm ôn, gieo cấy được cả 2 vụ trong năm, có tính thích ứng rộng, chống chịu sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng phù hợp cơ cấu trà xuân muộn và trà mùa sớm; đảm bảo về năng suất, chất lượng, hạt gạo dài, không bạc bụng, tỷ lệ tấm thấp, cơm ngon.
Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, Sở KHCN đã triển khai đề tài nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận gạo Hương Bình. Thạc sĩ Trương Thị Minh (Trung tâm nghiên cứu và phát triển Hệ thống nông nghiệp), chủ nhiệm đề tài cho biết: Nhóm cán bộ thực hiện đề tài đã xác định cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng các tiêu chí chứng nhận cho gạo Hương Bình. Kết quả cho thấy gạo Hương Bình được xếp vào nhóm hạt dài, tỷ lệ gạo nguyên xay xát (tỷ lệ giữa số hạt gạo không bị gãy) trên lượng gạo xay xát đạt chuẩn ở mức 97%; tỷ lệ xay xát/100kg thóc của gạo Hương Bình là 70,3, nghĩa là cứ 100kg thóc sẽ thu được 70,3kg gạo. Đây là tỷ lệ khá cao so với các giống lúa khác…
Tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp và thương mại Đồng Bằng sông Hồng năm 2013, thương hiệu gạo Hương Bình đã ra mắt khiến nhiều người vui mừng bởi đây là một bước tiến quan trọng nâng tầm một giống lúa thuần chất lượng cao trở thành một sản phẩm hàng hóa được bảo hộ nhãn hiệu phục vụ đắc lực cho việc nâng cao thu nhập cho nông dân và trở thành sản một trong những hàng hóa chủ lực của Ninh Bình.
Tuy nhiên qua khảo sát thực tế, để thương hiệu gạo Hương Bình được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, ngành nông nghiệp và Sở KHCN Ninh Bình-đơn vị đứng tên đăng ký nhãn hiệu và là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận "Gạo Hương Bình" còn rất nhiều việc phải làm.
Trong đó cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức và hành động từ người sản xuất đến các nhà kỹ thuật, từ nhà doanh nghiệp đến cán bộ quản lý trong phối hợp hành động để quảng bá thương hiệu cho sản phẩm gạo Hương Bình.
Có một thực tế là từ trước đến nay, chúng ta thường xuyên nhắc tới "mối liên kết 4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp, nhưng trong đó chưa đề cập đến vấn đề tuyên truyền quảng bá thương hiệu. Đã đến lúc cần bổ sung thêm "nhà thứ 5"- đó là nhà truyền thông. Bởi lẽ đã xác định mục tiêu xây dựng được thương hiệu gạo, phấn đấu đưa ra thị trường, thu nguồn lợi lớn… thì cũng phải đầu tư thích đáng cho truyền thông để nhiều người biết đến gạo Hương Bình. Tăng cường công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm lúa chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng để định hướng nhu cầu tiêu dùng của người dân, qua đó từng bước tạo lập giá trị sản phẩm gạo Hương Bình.
Văn Minh