Điểm nhấn trong công tác đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh trong những năm qua chính là hoàn thành các chỉ tiêu xóa đói, giảm nghèo. Để công tác giảm nghèo đi vào nề nếp, Ninh Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ hộ nghèo như: phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015, Nghị quyết về chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm… Các nghị quyết đã nhanh chóng được các cấp, các ngành, đoàn thể cụ thể hóa thành những chính sách hỗ trợ gián tiếp, trực tiếp cho người nghèo, hộ nghèo. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến những vấn đề thiết thực với người nghèo như đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà cho người có công… Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, tỉnh Ninh Bình đã tập trung làm tốt công tác rà soát hộ nghèo, trên cơ sở đó, xác định nguyên nhân nghèo và đưa ra các giải pháp phù hợp giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo. Qua khảo sát, hầu hết nguyên nhân nghèo là do thiếu kiến thức làm ăn, thiếu vốn và thiếu nghề. Từ đây, ngành Lao đông, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan, báo chí, tuyên truyền xây dựng các chuyên đề, chuyên mục, giới thệu các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tăng cường tuyên truyền về công tác giảm nghèo, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các địa phương, đơn vị khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, từ đó lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp với từng vùng, miền và từng đối tượng, đặc biệt quan tâm đến đối tượng thuộc hộ nghèo, lao động nông thôn và người tàn tật. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thẩm định Đề án dạy nghề của các đơn vị dạy nghề trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo đúng quy trình, quy định. Ngành cũng phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành giám sát các địa phương, các cơ sở dạy nghề trong việc thực hiện công tác dạy nghề.
Nhờ đó, hoạt động đào tạo nghề tiếp tục được tăng cường cả về quy mô và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên của một số trường cao đẳng, trường nghề và các trung tâm dạy nghề được đầu tư bài bản, thể hiện sự quyết tâm cao của tỉnh trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Các trường cao đẳng và các trường dạy nghề trong tỉnh đang tập trung mở rộng ngành đào tạo, đồng thời chủ động liên kết đào tạo với các trường cao đẳng, đại học trong nước, vì vậy chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao. Trong năm 2013, đã có trên 17.000 lượt người được đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 36%. Kết quả công tác dạy nghề đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu, tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động. Trong năm, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 3.500 người, tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm thu hút hơn 2.000 người tham gia đăng ký phỏng vấn, trong đó đã có trên 1.000 người nhận được việc làm, góp phần đưa số lao động được giải quyết việc làm lên trên 18.000 người, vượt kết hoạch 0,18%.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ hộ nghèo, tỉnh ta đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt chính sách đối với người nghèo. BHXH tỉnh đã cấp trên 135 nghìn thẻ BHYT cho các đối tượng nghèo, cận nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng trong việc khám, chữa bệnh, xây dựng 130 nhà ở cho hộ nghèo tại 3 huyện Yên Mô, Kim Sơn, Gia Viễn. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ tiền điện, tiền học cho học sinh nghèo, trợ giúp pháp lý… cũng được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đã tạo ra "lực đẩy" lớn giúp người nghèo vươn lên.
Không chỉ có vậy, bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tỉnh đã bố trí ngân sách để phát triển các mô hình giảm nghèo, tập trung chủ yếu vào chăn nuôi, trồng trọt và hỗ trợ sản xuất… Với sự lồng ghép các chương trình, chính sách giảm nghèo một cách đồng bộ, số hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2013 của tỉnh đã giảm xuống còn 5,56%, vượt kế hoạch 1,44%.
Cùng với đó, với đạo lý "Uống nước nhó nguồn", tỉnh đã huy động tổng hợp các nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc người có công.
Trong năm, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức thăm và tặng trên 65.000 suất quà, trị giá trên 14 tỷ đồng cho các gia đình chính sách, người có công, vận động đóng góp 1,14 tỷ đồng xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Đến nay, toàn tỉnh có 146/146 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công...
Nguyễn Hùng