PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội phụ nữ các cấp trong nhiệm kỳ 2006-2011?
Đồng chí Ninh Thị Xế: Trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế đòi hỏi đội ngũ cán bộ Hội phụ nữ các cấp cần phải được nâng cao cả về trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhận thức được điều đó, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã chủ động, tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ Hội. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được coi trọng hàng đầu.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hội phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo Hội phụ nữ cấp huyện và cơ sở rà soát thực trạng đội ngũ cán bộ Hội, để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Hàng năm, 100% cán bộ Hội các cấp được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ theo phân cấp. Việc tổ chức cho cán bộ Hội đi học nâng cao trình độ chuyên môn cũng như trình độ lý luận chính trị được quan tâm. Hội Phụ nữ tỉnh có 2 cán bộ chuyên trách học Đại học chuyên môn, 4 chị học cao cấp chính trị, 7 chị học tin học, ngoại ngữ, 4 chị học quản lý Nhà nước. Trong nhiệm kỳ, Hội Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương, Trường Chính trị tỉnh tổ chức 2 lớp Trung cấp phụ vận cho 121 cán bộ Hội cơ sở, tạo điều kiện chuẩn hóa chức danh chủ chốt cán bộ Hội cơ sở. Đến nay, 100% cán bộ phong trào cơ quan Tỉnh Hội có trình độ chuyên môn đại học trở lên; 66, 65% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Cấp huyện có 91,7% cán bộ Hội có trình độ đại học chuyên môn, trên 90% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Có 143/146 Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở đạt tiêu chuẩn chức danh (tăng 30% so với đầu nhiệm kỳ), trong đó có 91% chị có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên (tăng 62,81% so với năm 2006). Có 21 chị Chủ tịch Hội cơ sở trưởng thành được chuyển giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn.
PV: Vậy khó khăn đặt ra hiện nay trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Ninh Thị Xế: Phải khẳng định rằng, đội ngũ cán bộ phụ nữ các cấp trong tỉnh luôn có ý thức tự học, tự rèn luyện, tinh thần trách nhiệm, tận trung, tận tâm đối với phụ nữ; nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; sâu sát, gắn bó, lắng nghe, chia sẻ đồng cảm với chị em, thực sự là cầu nối giữa chị em với cấp ủy Đảng, chính quyền. Tuy nhiên, thời gian qua công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp đang gặp khó khăn, đó là: Một số ít cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến phong trào phụ nữ và tổ chức Hội, nhất là trong công tác cán bộ: chưa có quy hoạch và kế hoạch đào tạo cán bộ nữ nên tỷ lệ cán bộ nữ thấp, bố trí cán bộ Hội chủ chốt không đảm bảo tiêu chuẩn. Điều kiện hoạt động của Hội phụ nữ còn khó khăn. Mặt khác, một số ít cán bộ Hội còn tư tưởng an phận, ngại đi học nâng cao trình độ... nên kiến thức, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới. Một bộ phận cán bộ trong độ tuổi sinh con, nuôi con nhỏ nên gặp khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp công việc gia đình để đi học...
PV: Thưa đồng chí, trong thời gian tới Hội phụ nữ các cấp cần tập trung thực hiện những giải pháp gì để xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới?
Đồng chí Ninh Thị Xế: Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đủ năng lực, phẩm chất là nhân tố then chốt trong xây dựng, củng cố phát triển tổ chức Hội vững mạnh, là nguồn cán bộ cho các cấp ủy, chính quyền. Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2011- 2016) đã đề ra mục tiêu: Phấn đấu 100% cán bộ phong trào của Hội phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ đại học chuyên môn trở lên; 100% Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở đạt chuẩn chức danh; hàng năm có 70% trở lên số cán bộ Hội cơ sở đạt danh hiệu "Cán bộ Hội cơ sở giỏi". Đồng thời phải xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp Hội thực sự là đội ngũ cán bộ gương mẫu, ưu tú và là nguồn cán bộ nữ của Đảng.
Để thực hiện được mục tiêu này, trước hết các cấp Hội tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng quy hoạch cán bộ chủ chốt, mỗi chức danh có từ 2-3 cán bộ dự nguồn là cán bộ đã có kinh nghiệm công tác, có năng lực thực tiễn; cán bộ trẻ, được đào tạo chính quy. Mạnh dạn phân công công việc, hướng dẫn, hỗ trợ để cán bộ hoàn thành nhiệm vụ. Đối với số cán bộ hiện nay chưa đạt chuẩn chức danh thì động viên chị em tìm trường học phù hợp để học, phấn đấu đạt chuẩn chức danh. Khi có sự biến động cán bộ chủ chốt phải chủ động tham mưu với cấp ủy cùng cấp để kiện toàn, bổ sung kịp thời theo đúng tiêu chuẩn chức danh, tránh nể nang.
Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức đào tạo trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ... cho cán bộ Hội các cấp, nhất là cán bộ dự nguồn. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng hoạt động cộng đồng. Tham mưu chế độ, chính sách đối với cán bộ Hội, đồng thời làm tốt công tác đánh giá cán bộ, công tác thi đua khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích cán bộ Hội.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Ngọc Minh (Thực hiện)