Quan tâm phòng dịch Covid-19 trong hoạt động tín ngưỡng
Thứ Năm, 27/08/2020, 09:09
Zalo
Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch được gọi là tháng Vu lan báo hiếu hay còn gọi là tháng Xá tội vong nhân. Vào dịp này, nhu cầu lên chùa dâng hương, tụng kinh, cầu siêu Vu lan- báo hiếu… được nhiều người dân, phật tử làm theo. Khác với mọi năm, do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc tập trung đông người ở các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo… cần được chính quyền các địa phương quan tâm sát sao, không để dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên địa bàn.
Quan tâm phòng dịch Covid-19 trong hoạt động tín ngưỡng
Ngày mùng 1 âm lịch (vào ngày 19/8 dương lịch) có thời gian đi lễ tại một số đền, chùa trên địa bàn thành phố Ninh Bình và các huyện lân cận, chúng tôi mới có dịp chứng kiến… sự chủ quan của người dân trong phòng chống dịch Covid- 19. Tại đền Đức Đệ Nhị (xã Khánh An, huyện Yên Khánh) vào thời điểm buổi chiều tập trung khá đông người dân địa phương, du khách về dâng hương. Ngay từ phòng sắp lễ, người đứng cạnh nhau san sát, nhưng rất ít người đeo khẩu trang. Tại đây, vừa sắp lễ, mọi người còn vô tư trò chuyện rất sôi nổi. Hỏi chuyện bác Trần Thị T (người dân địa phương) sao không đeo khẩu trang khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bác hồn nhiên cho biết: Covid cũng sợ thật đấy, nhưng Ninh Bình mình có đâu mà lo…
Quan sát cả khu vực đền, từ cổng vào cho đến khu vực thờ tự, khu vực chờ sắp lễ, không thấy biển hiệu hay thông báo gì về tình hình dịch bệnh, về yêu cầu phòng chống dịch bệnh đối với người đến tham quan, chiêm bái. Trong khi, buổi chiều hôm đó, cả khu vực đền phải tập trung đến cả trăm người.
Hầu như rất ít người đeo khẩu trang tại khu vực sắp lễ ở đền Đức Đệ Nhị (xã Khánh An, huyện Yên Khánh). (Ảnh chụp ngày 19/8/2020)
Tại địa bàn thành phố Ninh Bình, nơi tập trung nhiều đền, chùa, ý thức phòng chống dịch Covid- 19 cũng không mấy khả quan. Vì là mùng 1 đầu tháng âm lịch, nên nhu cầu đi lễ chùa của người dân tăng cao. Ngay từ sáng sớm, chúng tôi có mặt tại một số địa điểm thường có đông người đến tham quan, chiêm bái là chùa Non Nước, đền thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, đền Đồng Bến… Chỉ duy nhất tại chùa Non Nước có đặt biển hiệu nhắc người dân, phật tử về yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, có chuẩn bị sẵn nước sát khuẩn, khẩu trang ngay trước cửa vào. Còn tại các điểm còn lại, người đến lễ cũng như người phục vụ tại các đền đều không quan tâm việc phòng chống dịch bệnh. Người đeo khẩu trang khi vào đền, chùa rất ít. Khi được chúng tôi hỏi sao bác không làm thông báo về phòng dịch Covid-19? Một người trong Ban quản lý nhà đền đã vội vàng trả lời: Để bác chuẩn bị…
Theo nội dung công văn gần nhất của UBND tỉnh về phòng chống dịch Covid-19 ban hành ngày 18/8/2020, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo tại các văn bản của Trung ương và của tỉnh về phòng chống dịch Covid-19. Trong đó có nội dung "Thực hiện giãn cách xã hội cho các đối tượng có nguy cơ cao gồm người cao tuổi, người có bệnh lý tim mạch, người có bệnh lý mãn tính khác". Trong khi thực tế cho thấy, trong số những người có mặt tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo rất đông người cao tuổi. Chưa kể, còn có những người mắc bệnh mãn tính, bệnh lý tim mạch…không thể kiểm soát, thống kê.
Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cần quan tâm triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như tại chùa Non Nước (thành phố Ninh Bình).
Hiện nay đang là những ngày của tháng 7 âm lịch, là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động tín ngưỡng. Việc tham gia các hoạt động dâng hương, lễ chùa, cầu siêu… là quyền tự do tín ngưỡng của mỗi công dân đã được quy định bởi Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương trong cả nước như hiện nay, việc tập trung đông người tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là hết sức đáng lo ngại.
Chính quyền các địa phương nơi có các đền, chùa, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn. Cần thiết phải hướng dẫn, nhắc nhở người trụ trì, ban quản lý các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo triển khai các biện pháp phòng chống dịch như: có biển thông báo, đặt nước sát khuẩn, khẩu trang, sắp xếp chỗ ngồi lễ đảm bảo giãn cách… Đặc biệt, trong các buổi lễ, cần tuyên truyền, thông báo cho người dân, phật tử về tình hình dịch bệnh và trách nhiệm của mỗi người cần làm để phòng chống dịch bệnh.
Vào ngày 25/8 vừa qua, tại chùa Non Nước đã tổ chức khóa lễ cầu siêu Vu lan-Báo hiếu rằm tháng 7. Tại buổi lễ, trụ trì chùa Non Nước khi giảng kinh đã thông báo cho các phật tử, người dân về tình hình dịch bệnh Covid-19 và yêu cầu những người đến lễ đều đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn để chung tay cùng phòng chống dịch bệnh. Thực tế cho thấy, cả buổi lễ kéo dài tầm 2 tiếng, tất cả người dự khóa lễ đều đeo khẩu trang, kể cả lúc tụng kinh. Trước khi đến chùa và sau khi ra về đều rửa tay sát khuẩn. Đây là cơ sở tôn giáo chấp hành nghiêm quy định về phòng chống dịch Covid-19.