Nhiều tháng qua, chị Nguyễn Thị Thúy, xã Yên Lâm (Yên Mô) cùng nhiều phụ nữ khác trên địa bàn xã liên tục đến Công ty TNHH Giày Athena Việt Nam để xin việc làm, nhưng chưa có cơ hội được làm việc tại đây với lý do quá tuổi. Là một trong những hộ dân thuộc dự án thu hồi đất bàn giao cho Công ty giày Athena đầu tư các dây chuyền sản xuất giày, khi bàn giao đất, Công ty hứa sẽ ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương, trong đó sẽ tạo điều kiện cho cả những lao động có tuổi, sinh năm 1975 như các chị. Nhưng khi đất sản xuất bị thu hồi, việc làm không có, hiện tại đời sống của nhiều lao động ở xã Yên Lâm đang rất khó khăn. Ông Tống Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lâm cho biết: Thực hiện chủ trương của tỉnh, của huyện, tháng 4 năm 2016, hơn 200 hộ dân ở xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đã chấp hành nghiêm việc bàn giao diện tích đất sản xuất nông nghiệp của gia đình để địa phương bàn giao cho chủ đầu tư tiến hành xây dựng Dự án xây dựng Nhà máy Giày Athena trên địa bàn. Theo đó, toàn xã có trên 10 ha đất nông nghiệp bị thu hồi, trên diện tích đất được thuê, Công ty đã xây dựng 4 nhà xưởng công suất khoảng 9 triệu đôi giày/năm. Dự án có tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 khoảng 30 triệu USD, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Trong quá trình triển khai xây dựng nhà máy, các phòng, ban chuyên môn của huyện Yên Mô đã tích cực phối hợp với Công ty TNHH Giày Athena Việt Nam tạo điều kiện để đơn vị này hoàn thành các thủ tục hồ sơ cần thiết khi xây dựng Nhà máy. UBND xã Yên Lâm cũng đã đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự trên địa bàn, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà thầu tổ chức thi công thuận lợi, an toàn. Đến nay, Nhà máy đã đi vào hoạt động nhưng nhiều hộ dân có diện tích đất bị thu hồi phục vụ dự án vẫn không được tiếp nhận để có việc làm ổn định.
Cũng theo lãnh đạo xã Yên Lâm, sau khi bị thu hồi diện tích đất nông nghiệp, Yên Lâm có khoảng 1.000 lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Đối với những lao động trong độ tuổi thì cơ hội tìm việc không khó nhưng đối với những lao động ở độ tuổi trung niên thì đây là điều rất khó khăn và hiện tại Yên Lâm có khoảng 30% lao động thuộc độ tuổi này không tìm được việc làm phù hợp và ổn định.
Được biết, tìm được việc làm với thu nhập ổn định và công việc phù hợp để ổn định cuộc sống không chỉ là vấn đề khó khăn đối với người dân xã Yên Lâm, huyện Yên Mô mà đây là tình trạng chung của nhiều người dân thuộc các địa phương có nhiều diện tích đất bị thu hồi xây dựng các khu, cụm công nghiệp như Gia Viễn, Yên Khánh, Nho Quan… Trước tình hình đó, những năm qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tích cực tham mưu cho tỉnh và phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện nhiều chính sách và có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, như đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm. Trong đó tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động vào làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề, lao động làm việc ở lĩnh vực dịch vụ du lịch; đồng thời có chính sách vay vốn ưu đãi từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để tạo việc làm tại chỗ và đi xuất khẩu lao động. Trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tư vấn, hướng nghiệp và dạy nghề cho lao động ở độ tuổi từ 15 đến 30; đào tạo tại chỗ, chuyển đổi nghề cho lao động trên 35 tuổi đối với những công việc không đòi hỏi kỹ năng phức tạp…. Kết quả, từ năm 2011 đến nay, đã tư vấn, hỗ trợ giải quyết việc làm cho 119 nghìn lao động, trong đó khoảng 35 nghìn lao động trong diện bị thu hồi đất. Thực hiện thẩm định và quyết định vay vốn ưu đãi cho gần 9 nghìn lao động, trong đó có gần 2 nghìn lao động bị thu hồi đất với tổng kinh phí 122 tỷ đồng. Đồng thời tư vấn, hỗ trợ cho 1.500 lao động thu hồi đất đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, công tác giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh vẫn còn những bất cập, vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn. Cụ thể như, tư tưởng và nhận thức của một bộ phận người lao động thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động tích cực trong việc học nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm cho bản thân (nhiều lao động muốn làm việc trong các khu, cụm công nghiệp, các khách sạn, nhà hàng lớn nhưng chưa quan tâm đến việc học nghề, thiếu ý thức kỷ luật lao động…). Đối với các doanh nghiệp, một số doanh nghiệp chưa thực sự ưu tiên tuyển lao động tại địa phương; chưa có chính sách đào tạo lại lao động để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tác phong công nghiệp cho người lao động. Cùng với đó, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chưa ổn định, dẫn đến việc làm cho người lao động bấp bênh, thu nhập không ổn định. Còn đối với các cơ quan chức năng, một số cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất; việc xác định nhu cầu và lựa chọn nghề đào tạo chưa sát với thực tiễn nên chưa mở được nhiều ngành nghề đào tạo để tạo việc làm mới cho người lao động tại địa phương…
Trước thực tế đó, theo ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thời gian tới, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể (đặc biệt là cấp xã, phường) trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức của người lao động, giúp người lao động hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa của công tác giải quyết việc làm, từ đó có kế hoạch chọn nghề, học nghề phù hợp. Tăng cường công tác thông tin thị trường lao động bằng việc: Tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề miễn phí cho người lao động; thực hiện thu thập, cập nhật thông tin về cung lao động và cầu lao động, để có cơ sở tư vấn cho người sử dụng lao động và người lao động để xúc tiến tuyển dụng.
Cùng với đó chú trọng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch, phát triển những ngành nghề dựa trên những tiềm năng sẵn có, phát huy được các thế mạnh của địa phương để đưa ra các biện pháp giải quyết việc làm hợp lý, đạt hiệu quả cao. Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho người lao động nhằm nâng cao trình độ, kĩ năng, tác phong công nghiệp, đáp ứng kịp thời với yêu cầu của thị trường lao động, yêu cầu của doanh nghiệp. Chú ý khảo sát nhu cầu đào tạo nghề sát với thực tiễn và tổ chức đào tạo nghề theo hợp đồng có địa chỉ, đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Thêm vào đó, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động bằng việc giới thiệu và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực xuất khẩu lao động về tuyển lao động tại địa phương, tạo điều kiện cho người lao động, trong đó có lao động bị thu hồi đất nông nghiệp có cơ hội đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhằm giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập. Đặc biệt, một giải pháp có ý nghĩa quan trọng là yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có diện tích đất bị thu hồi phải thực hiện cam kết sử dụng lao động của địa phương; có chính sách đào tạo lại tại cơ sở sản xuất, kinh doanh để họ làm quen với công việc và môi trường làm việc của doanh nghiệp.
Mỹ Hạnh