Đến thời điểm này, lúa đang sinh trưởng, phát triển khá tốt, sâu bệnh ít... nhưng chuột gây hại khá nhiều. Những ngày gần đây, đêm nào gia đình ông cũng phải ra ruộng, nhất là vào lúc chập tối để soi đèn và đặt bẫy, bả xung quanh khu ruộng nhà mình, nhiều đêm bắt được tới hơn 20 con. Ông Quý cũng băn khoăn: Giai đoạn lúa ôm đòng là thời kỳ chuột hoạt động phá hoại mạnh, nhưng nếu chỉ có một nhà đánh bắt thì tác dụng và hiệu quả không cao; bởi hôm sau chuột ở nơi khác, chỗ khác lại đến phá hoại lúa.
Nhiều năm nay, HTX Liên Sơn (huyện Gia Viễn) áp dụng biện pháp diệt chuột bằng biện pháp hun khói vào hang, lỗ chuột. Sử dụng biện pháp này, HTX đã được Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh hỗ trợ máy hun, hướng dẫn cách sử dụng.
So sánh với biện pháp đánh bắt khác như: Bả sinh học, bẫy cây trồng, đào bắt… thì hun khói ở thời điểm này có những ưu điểm là: Diệt trừ mầm mống chuột con; môi trường sinh thái được đảm bảo; hệ thống đường giao thông, bờ vùng, bờ thửa được an toàn và chi phí lại thấp. Với 10 máy xông khói mỗi ngày có thể xông được 2.400 lỗ và bắt được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con chuột.
Vụ đông xuân 2016-2017, toàn tỉnh gieo cấy 41.016 ha lúa xuân, trong đó diện tích lúa gieo thẳng đạt 15.141,2 ha, chiếm 36,8% tổng diện tích lúa gieo cấy và tăng 3.254,6 ha so với vụ đông xuân trước. Đến trung tuần tháng 4, về cơ bản nông dân toàn tỉnh đã thực hiện chăm sóc xong đợt 2 cho lúa và đã có 2.150 ha lúa trỗ bông, tập trung chủ yếu ở diện tích lúa ngoài đê, thùng đào, thùng đấu thuộc huyện Nho Quan, Gia Viễn...
Ông Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho rằng: Thời tiết khí hậu năm nay khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vụ lúa đông xuân 2016-2017.
Nhìn chung, lúa xuân của tỉnh đang sinh trưởng, phát triển khá tốt và tương đối đồng đều, đại đa số đang trong giai đoạn phân hóa đòng; sâu bệnh ít, chưa đến "ngưỡng" phải phun thuốc phòng trừ. Tuy nhiên, trong giai đoạn này cần chú ý tới việc diệt trừ chuột hại, bởi đây là thời kỳ chuột hoạt động mạnh.
Từ đầu vụ tới nay, toàn tỉnh đã diệt được 152.720 con chuột, trong đó: Nho Quan 55.000 con, Gia Viễn 11.500 con, Hoa Lư 21.500 con, Yên Mô 40.000 con, Yên Khánh 15.700 con, Kim Sơn 7.820 con, thành phố Ninh Bình 500 con, thành phố Tam Điệp 700 con.
Ngoài ra, trong thời gian tới cần chú ý tới các đối tượng gây hại như rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, đạo ôn cổ bông và ở những diện tích lúa trỗ sau ngày 25/4 thì cần điều tra nắm chắc tình hình phát sinh, phát triển của các đối tượng trên, khi đến "ngưỡng" thì mới phun thuốc phòng trừ.
Diệt chuột có hiệu quả cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và rộng khắp với việc áp dụng nhiều biện pháp. Biện pháp đào bắt, đánh bả sinh học ở giai đoạn lấy nước làm đất, hun khói ở giai đoạn giữa tới cuối vụ, kết hợp với việc bố trí trà lúa, giống lúa là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiệt hại do chuột gây ra trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, phát triển nông nghiệp bền vững.
Trường Sinh