Việc tổ chức lễ hội ở các địa phương trong tỉnh đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở những địa phương có nhiều di tích lịch sử, những nơi danh lam thắng cảnh.
Các lễ hội đầu xuân được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của nhân dân. Nhìn chung các lễ hội ở Ninh Bình đã đảm bảo được quy chế mở hội như: đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phát huy được bản sắc văn hóa của người dân địa phương.
Tuy nhiên, tại một số lễ hội vẫn tồn tại một số vấn đề cần quản lý và tổ chức tốt hơn, đó là: tình trạng mê tín dị đoan như việc xem bói, rút thẻ, lên đồng; tình trạng đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ cho người đi lễ hội với lãi xuất quá cao (10.000 đồng tiền chẵn chỉ đổi được 7000 đến 8000 tiền lẻ).
Một số lễ hội chưa làm tốt công tác giữ vững an ninh, trật tự, an toàn giao thông; việc tổ chức coi giữ các loại phương tiện cho người đi lễ hội còn ở các mức giá quá cao so với quy định, gây phiền hà cho khách đi lễ hội.
Công tác vệ sinh môi trường chưa được coi trọng, việc quản lý, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, quán ăn trong lễ hội còn lỏng lẻo.
Ở một số lễ hội, phần "lễ" nhiều hơn phần "hội", còn ít các trò vui chơi, giải trí lành mạnh, nhiều trò chơi đen đỏ, đánh bạc vẫn tồn tại được núp dưới hình thức vui chơi có thưởng...
Hiện nay nhiều lễ hội đã và đang chuẩn bị được tổ chức, mong rằng các địa phương, ban quản lý các khu di tích lịch sử nơi đứng ra tổ chức các lễ hội cần phối kết hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể có liên quan để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế mở hội, chống biểu hiện thương mại hóa các lễ hội.
Trần Quang Khải