Nhà anh B.V.B (phường Nam Bình- thành phố Ninh Bình) mấy ngày nay không khí chuẩn bị cho đám cưới của con trai khá nhộn nhịp. Theo lời anh kể, vì đãi cỗ tại nhà nên mọi khâu thực phẩm gia đình chuẩn bị hết để tiết kiệm chi phí. Ban đầu nghĩ đơn giản, nhưng khi bắt tay vào chuẩn bị mới thấy hết được sự phức tạp của việc lên danh sách các thực phẩm cho bữa cỗ. Lấy kinh nghiệm của những người đã làm trước, gia đình anh đã lên thực đơn cho bữa cỗ rồi liên hệ các nơi đặt thực phẩm. Thực ra, giá cả và thực phẩm nhiều nơi cung cấp, cứ có tiền là có hàng. Nhưng điều mà anh và gia đình lo lắng là liệu chất lượng các thực phẩm như: tôm, thịt gà, cá, rau xanh các loại, hoa quả…đều được cung cấp từ các mối hàng ở chợ Rồng và các cơ sở chuyên làm cỗ thuê có đảm bảo an toàn thực phẩm? Trong điều kiện phục vụ từ 30-40 mâm cỗ với khoảng từ 180-200 khách, chỉ một sơ suất nhỏ trong khâu thực phẩm mà để ai đó bị ngộ độc do ăn cỗ thì hết sức đáng lo ngại. Tuy nhiên, lo lắng là vậy nhưng mọi việc vẫn phải tiến hành bình thường vì "nhà ai có đám cưới chẳng làm thế. Nếu muốn sang hơn, có nhiều tiền và ngại vất vả thì đặt cỗ khách sạn. Tuy nhiên, cũng chẳng ai đảm bảo là cỗ ở khách sạn thì đảm bảo an toàn hơn cỗ làm ở nhà…". Trong một lần theo đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đến kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số khách sạn, nhà hàng trên địa bàn thành phố Ninh Bình. Chúng tôi có dịp được tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm được nhập để phục vụ các hội nghị, đám cưới của một khách sạn. Trong cuốn sổ ghi chép về nguồn gốc thực phẩm được nhập, phần lớn các thực phẩm tươi sống như: thịt gà, thịt bò, rau xanh…đều ghi rõ nhập từ chợ Rồng. Điều mà chúng tôi băn khoăn là những thực phẩm kể trên không biết lấy cơ sở nào để khẳng định là đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm khi cơ sở cung cấp "hứa" chỉ bằng lời nói là đảm bảo chất lượng, còn những giấy tờ liên quan như giấy chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ hay chứng nhận kiểm dịch… đều không có.
Thực tế năm nào cũng vậy, cuối năm là để các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm "ăn nên làm ra" vì nhu cầu về tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng đột biến. Trong đó, các đám cưới được tổ chức dịp này đã khiến lượng hàng hóa, thực phẩm được tiêu thụ mạnh. Không chỉ ở các gia đình, các khách sạn, nhà hàng cũng có các dịch vụ đặt cỗ cưới với lượng khách lớn, vài trăm người nên giá cả một số mặt hàng tăng nhẹ so với bình thường. Đây cũng là thời điểm nếu không cẩn thận, rất dễ gặp phải thực phẩm bẩn, thực phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Không phải ngẫu nhiên mà ngành chức năng và các cơ quan thông tin truyền thông liên tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong mùa lễ hội và Tết Nguyên đán. Như các đợt thanh, kiểm tra của các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, của ngành công thương, y tế, nông nghiệp, công an dịp mùa lễ hội và Tết Nguyên đán năm 2015, đã phát hiện ra một số cơ sở để xảy ra vi phạm: có cơ sở lưu giữ trong tủ lạnh 54 kg thịt dê ôi thiu, biến chất; 1 kg giò lợn xét nghiệm nhanh dương tính với hàn the, 18 gói gia vị thuốc bắc nấu lẩu hết hạn sử dụng, 166 kg nầm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ; 34 bao thuốc lá nhập lậu và 17 gói mỳ chính giả; 200 kg thịt bò, 100 kg xương động vật, 51.000 quả trứng chim cút không rõ nguồn gốc xuất xứ; 420 gói cơm cháy chà bông (loại 250g/gói) giả mạo nguồn gốc… Những thực phẩm không đảm bảo chất lượng như trên, nếu để "lọt" vào thị trường, người tiêu dùng không biết mua về chế biến, sử dụng, không biết hậu quả sẽ như thế nào? Vụ ngộ độc thực phẩm tập thể của một gia đình với 9 người phải cấp cứu vì do ăn uống dịp Tết Trung thu vừa qua ở xã Ninh Mỹ (Hoa Lư) là một cảnh báo đối với lĩnh vực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhằm đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày của người dân trong tỉnh, từ đầu năm đến nay, công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm được các đoàn liên ngành của tỉnh, các ngành chức năng quan tâm sát sao. Trong 9 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã thành lập 156 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Với hơn 4.000 cơ sở trong tỉnh, theo đánh giá của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, qua thanh, kiểm tra đã có trên 80% cơ sở được kiểm tra đạt yêu cầu. Các cơ sở đã chấp hành tốt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình triển khai sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Chấp hành tốt việc khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên, tham gia tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm do ngành chức năng tổ chức. Kết quả thanh, kiểm tra, từ đầu năm đến nay đã có hơn 100 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bị xử phạt vi phạm hành chính vì các lỗi vi phạm…
Từ nay đến cuối năm, nhu cầu về thực phẩm của người dân tiếp tục tăng mạnh do vừa là mùa cưới, vừa là dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Trước tình trạng thực phẩm được nhập về và bày bán trên thị trường tăng cao như hiện nay, cùng với sự vào cuộc tích cực, thường xuyên của các ngành chức năng, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, hiểu biết để biết cách lựa chọn thực phẩm đảm bảo chất lượng. Đừng vì giá rẻ, mà hãy nói không với hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng trôi nổi, hàng quá hạn sử dụng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Cần mạnh dạn và kịp thời tố giác các cơ sở có vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm để xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ sức khỏe, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Với số lượng lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trong tỉnh như hiện nay, hoạt động thanh, kiểm tra của các ngành chức năng chưa thể bao quát toàn bộ. Do đó, chính người tiêu dùng, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm là những người thường xuyên tiếp cận với các thực phẩm, hàng hóa hàng ngày sẽ là những người cần nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn bao giờ hết.
Lý Nhân