Về Trạm Y tế xã Kim Hải những ngày sau cơn bão số 8, hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân địa phương của các cán bộ y tế tại Trạm diễn ra hết sức nhộn nhịp. Đồng chí trạm trưởng Trạm y tế xã phân trần: Vừa bão xong nên cán bộ của Trạm phải xuống các xóm để phối hợp với đội ngũ y tế thôn bản tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe sau mưa bão. Tuy vậy, hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu tại Trạm vẫn được duy trì để đảm bảo mọi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân được đáp ứng như bình thường. Nhiều trường hợp đến khám, điều trị bệnh tại Trạm được các cán bộ y tế đón tiếp rất ân cần.
Hỏi chuyện chị Trần Thị Thắm, một sản phụ vừa mới trải qua cơn sinh nở "mẹ tròn, con vuông" ngày hôm trước, chị phấn khởi cho biết: Tôi sinh lần này là lần thứ 2, tuy ở vùng bãi ngang xa xôi nhưng quá trình mang thai được chăm sóc sức khỏe rất chu đáo ngay tại Trạm y tế xã. Đến khi sinh nở, được sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ y tế Trạm nên cơn "vượt cạn" diễn ra an toàn, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con…
Đồng chí Trạm trưởng Trạm Y tế xã còn cho biết thêm: Thuận lợi của Trạm Y tế Kim Hải là một trong 3 trạm được thụ hưởng dự án về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân nên 2 xã Kim Hải, Văn Hải và thị trấn Bình Minh được hỗ trợ 1 máy siêu âm, 1 bộ xét nghiệm để sử dụng luân phiên. Theo lịch sử dụng, cứ đến thứ 5, 6 là những ai có nhu cầu siêu âm chẩn đoán bệnh sẽ đến Trạm Y tế xã để khám bệnh mà không phải lên huyện.
Được biết, Kim Hải cùng với 5 xã thuộc vùng bãi ngang được sự quan tâm của Nhà nước nên 100% dân số ở các xã đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các xã bãi ngang còn được sự quan tâm hỗ trợ về nhiều mặt.
Về cơ sở vật chất, các trạm y tế đều được xây dựng kiên cố, có đầy đủ các phòng chức năng, được ngành Y tế và địa phương huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện nên từ năm 2010 đều đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2001- 2010. Các Trạm còn được đầu tư mua sắm các trang, thiết bị thiết yếu phục vụ công tác khám, chữa bệnh như: bảng thị lực điện, đèn hồng ngoại, máy hút đờm... Đặc biệt, một số xã được hưởng dự án chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân còn được hỗ trợ thêm máy siêu âm, bộ xét nghiệm… Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ đảm nhiệm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tại địa bàn các xã bãi ngang còn được tạo điều kiện cử đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nên đến nay 100% các Trạm đã có bác sỹ. Đội ngũ y tế thôn, xóm 100% qua đào tạo, có trình độ sơ cấp trở lên.
Từ ngày 1-7-2012, thực hiện việc bàn giao các trạm y tế từ phòng y tế về Trung tâm y tế huyện quản lý, Trung tâm đã quan tâm tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ y tế thôn, xóm về nghiệp vụ chuyên môn, công tác phòng, chống dịch bệnh…
Đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các xã bãi ngang, đội ngũ cán bộ y tế thuộc các xã bãi ngang còn được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước về chế độ, chính sách với việc được hưởng mức phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp thu hút bằng 140% mức lương hiện hưởng.
Theo bác sỹ Ngô Văn Quốc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Sơn: Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng bãi ngang những năm qua luôn được sự quan tâm sát sao của ngành Y tế và của chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện nên đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân trong việc khám, chữa bệnh ban đầu.
Cùng với hoạt động hiệu quả của các Trạm y tế, khu vực các xã bãi ngang còn có thêm Phòng khám đa khoa khu vực Cồn Thoi với đầy đủ các trang thiết bị, đội ngũ cán bộ có chuyên môn vững vàng, đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, giảm bớt khó khăn cho người bệnh không phải đi lại xa xôi. Ngay như tại địa bàn xã Kim Hải, còn có 1 phòng khám quân - dân y kết hợp giữa Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Ninh Bình và Trạm y tế xã Kim Hải nhiều năm nay đã duy trì lịch khám, chữa bệnh cho nhân dân địa phương vào ngày thứ hai, thứ sáu. Ngoài ra, nhân các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, các bác sỹ còn xuống tận các thôn, xóm để khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo…
Theo đánh giá của Trung tâm Y tế huyện, tại địa bàn 6 xã bãi ngang nhiều năm qua không để dịch bệnh phát sinh diện rộng, không để xảy ra tai biến trong chuyên môn. Đặc biệt, với sự vào cuộc tích cực của đội ngũ cán bộ y tế, nhiều thói quen ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nơi đây như: ăn gỏi cá, nem, chạo sống… đã dần được loại bỏ. Nhiều gia đình đã biết xây dựng chuồng trại gia súc xa nơi ở, xa nguồn nước sinh hoạt, tham gia dọn vệ sinh môi trường, thực hiện "ba sạch" trong sinh hoạt, ăn ở…
Bùi Diệu