Chị Nguyễn Thị Th. xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư là người mẹ trẻ sinh con đầu lòng được hơn 5 tháng tuổi phải điều trị bệnh trầm cảm tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Người nhà chị Th. cho biết, ban đầu không để ý lắm và cũng không biết về bệnh trầm cảm là như thế nào, chỉ thấy chị tỏ vẻ mệt mỏi, thờ ơ với việc chăm sóc con cái, ăn uống, ngủ nghỉ thất thường, nên chỉ nghĩ chắc chị mới sinh con còn mệt mỏi và do còn trẻ tuổi nên việc quan tâm chăm sóc con còn vụng về, thiếu kinh nghiệm.
Chồng chị Th. là thợ xây dựng, làm công trình xa gia đình hàng tháng mới về, việc chăm sóc mẹ con chị được bà nội tranh thủ ngoài việc làm đồng và chạy chợ. Cuộc sống của hai mẹ con quẩn quanh trong căn nhà nhỏ, con gái sinh thiếu tháng nên yếu ớt và quấy khóc suốt ngày đêm khiến chị Th. rất mệt mỏi. Một thời gian sau khi sinh con, nhiều đêm liền, chị Th. dậy đi lại trong nhà và đòi bế con ra ngoài chơi. Đỉnh điểm là một hôm trời tối muộn, chị Th. bế con ra ao trước nhà, bảo có tiếng ai đó nói cho con xuống tắm cho mát và nhanh lớn… Thấy tinh thần và việc làm của chị Th. thường xuyên không bình thường, gia đình cho chị đi khám và được chẩn đoán trầm cảm sau sinh, cần được can thiệp. Sau thời gian hàng tháng điều trị nội và ngoại trú, hiện chị Th. đã khỏi bệnh, vui vẻ, trở lại cuộc sống bình thường.
Bà Nguyễn Thị Mai, phố Phú Sơn, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình), mẹ của một sản phụ mới sinh chia sẻ: Tôi cũng được nghe về căn bệnh trầm cảm sau sinh, cùng với việc được các bác sĩ dặn phải chăm sóc, động viên cả vật chất và tinh thần cho những phụ nữ mới sinh con, nên tôi và gia đình rất quan tâm, động viên bằng những bữa ăn đủ chất, dễ tiêu hóa, đồng thời thường xuyên trò chuyện, chia sẻ cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, để em bé ăn ngủ ngoan, mẹ có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tạo tinh thần thoải mái, vui vẻ, từ đó tránh những mệt mỏi, suy nghĩ tiêu cực, là nguyên nhân gây bệnh trầm cảm.
Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương, số phụ nữ bị trầm cảm sau sinh ở nước ta đang ngày càng gia tăng, hậu quả cũng ngày càng trầm trọng hơn. Đã có những phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh tự hại bản thân hoặc sát hại chính con ruột của mình. Thống kê của một bệnh viện chuyên khoa về phụ sản ở Hà Nội cho thấy, có tới 60-70% phụ nữ sau sinh bị trầm cảm ở mức độ nhẹ. Đó là chưa kể rất nhiều phụ nữ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh nhưng cố gắng che giấu, chỉ đến khi phát bệnh mới được đưa đi viện chẩn đoán và can thiệp.
Theo các bác sĩ tâm lý, trầm cảm sau sinh là bệnh dễ chữa và có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Nếu bệnh nhân bị trầm cảm mức độ nặng cần dùng nhiều phương pháp như vừa dùng thuốc, các phương pháp tâm lý và một số biện pháp hỗ trợ khác. Còn nếu bệnh được phát hiện sớm, các triệu chứng còn nhẹ chỉ cần dùng liệu pháp tâm lý gia đình bằng việc quan tâm, chia sẻ, giúp giải quyết được các mâu thuẫn, áp lực cho người phụ nữ sau sinh. Cách phòng tránh hiệu quả bệnh trầm cảm sau sinh là cần được nghỉ ngơi đầy đủ; cố gắng tập thể dục nhẹ nhàng; được sự quan tâm, chia sẻ của người thân; ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng… Trong đó, để phát hiện sớm căn bệnh trầm cảm sau sinh, những người thân trong gia đình, nhất là người mẹ và người chồng, cần quan tâm theo dõi những hành động, suy nghĩ của sản phụ để nắm bắt nguy cơ mắc trầm cảm, có liệu pháp điều trị sớm, tránh được hậu quả xấu do trầm cảm gây nên.
Hạnh Chi