Những ngày giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, không khí thi đua lao động, sản xuất tại Công ty TNHH may Vạn Lợi, xã Gia Vân (Gia Viễn) như hối hả, khẩn trương hơn. Người lao động hăng say làm việc kể cả khi phải tăng giờ để hoàn thành các đơn hàng đã được Công ty ký kết đầu năm 2017. Chị Vũ Thị Thu, phân xưởng may cho biết: Tôi đã làm ở công ty được 6 năm, với mức lương bình quân hơn 6 triệu đồng/tháng. Ngoài mức lương ổn định, chúng tôi còn được hưởng đầy đủ các chế độ của người lao động, như đóng các loại BHXH, BHYT, BHTN, trang bị bảo hộ lao động, chế độ ăn ca, làm thêm giờ, đi nghỉ mát… Đặc biệt, chúng tôi đã được Ban Giám đốc công ty thông báo, Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm nay, mỗi người lao động nếu làm đủ công lao động sẽ được thưởng Tết ít nhất 1 tháng lương, từ 5-6 triệu đồng.
Ông Đinh Vạn Tam, Phó Giám đốc công ty TNHH May Vạn Lợi cho biết: Công ty hiện có trên 600 công nhân, lao động tham gia sản xuất, gia công các sản phẩm may mặc xuất đi các thị trường nước ngoài. Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán truyền thống, Công ty đã chuẩn bị lương và thưởng cho công nhân để người lao động có điều kiện mua sắm Tết. Ngoài đảm bảo mức lương, thưởng, công đoàn Công ty còn trích quỹ tặng quà động viên những công nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Thực tế cho thấy, vấn đề tiền lương và điều kiện lao động là yếu tố quyết định để giữ chân người lao động. Từ thực tiễn này, trong năm qua, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đã rất nỗ lực để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.628 doanh nghiệp đang hoạt động với 145.000 người, trong đó có 18 doanh nghiệp nhà nước, 18 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp nhà nước, 44 doanh nghiệp FDI, 2.548 doanh nghiệp dân doanh.
Qua khảo sát và báo cáo của các doanh nghiệp thì không có doanh nghiệp nào nợ lương và trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Mức lương bình quân năm 2016 là 5.820.000 đồng/người/tháng; trong đó, mức lương cao nhất là 30.050.000 đồng, thuộc về người lao động trong doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước. Mức lương thấp nhất là 2.200.000 đồng, thuộc về người lao động trong doanh nghiệp dân doanh. Mức tiền thưởng Tết Dương lịch năm 2017, bình quân là 1.342.000 đồng/người, trong đó, mức thưởng cao nhất là 17.000.000 đồng, thuộc về người lao động trong doanh nghiệp FDI, mức thưởng thấp nhất là 50.000 đồng, thuộc về người lao động trong doanh nghiệp dân doanh. Mức tiền thưởng Tết Nguyên đán Đinh Dậu, bình quân đạt trên 3,4 triệu đồng/người; trong đó, mức cao nhất là 32 triệu đồng; thấp nhất là 100.000 đồng.
Ông Phạm Quốc Doanh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trong năm, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, đơn vị và doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về lĩnh vực lao động - tiền lương và bảo hiểm xã hội... Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đúng các chính sách đối với người lao động, đảm bảo quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn tỉnh góp phần phát triển các doanh nghiệp bền vững.
Bà Lê Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Chính sách pháp luật - Liên đoàn lao động tỉnh cho biết: Để đảm bảo cho công nhân viên chức lao động có tiền lương, tiền thưởng và thu nhập trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, Liên đoàn lao động tỉnh đã chỉ đạo Liên đoàn lao động các cấp chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNVCLĐ trong dịp Tết, trong đó đặc biệt quan tâm đến CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau dài ngày, các gia đình chính sách… Cùng với đó, nắm tình hình và giám sát việc thực hiện thanh toán tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết đối với CNVCLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo mọi công nhân, lao động đều được đón Tết đầm ấm, đầy đủ.
Bài, ảnh: Hạnh Chi - Nguyễn Hùng