Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, tỉnh Ninh Bình đã có trên 235.000 cán bộ, chiến sỹ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các mặt trận. Kết thúc các cuộc chiến tranh, trên 16.000 người con của Ninh Bình đã anh dũng hy sinh được công nhận là liệt sỹ, 1.227 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", 14 người đã được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, 8.002 thương binh, 7.006 bệnh binh, 5.843 người hoạt động kháng chiến (HĐKC) và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, 863 người HĐKC bị địch bắt tù đày, 1.079 người được công nhận là cán bộ Lão thành cách mạng và Cán bộ tiền khởi nghĩa, trên 102.000 người được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến và trên 7.000 người được tặng Bằng khen vì có thành tích tham gia kháng chiến…
Xác định việc thực hiện tốt các chính sách người có công là một trong những hoạt động trọng tâm của công tác đền ơn, đáp nghĩa, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các địa phương, các cấp, ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công. Đến hết năm 2017, lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng đã được UBND tỉnh ban hành 33 danh mục thủ tục hành chính, trong đó có 9 thủ tục giải quyết trực tiếp tại bộ phận một cửa của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, 24 danh mục được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông tại UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và được đăng công khai trên Webside của UBND tỉnh Ninh Bình, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các đối tượng chính sách tra cứu, nắm bắt đầy đủ các thủ tục hành chính để giải quyết từng loại chế độ, trợ cấp đảm bảo nhanh gọn, đúng quy định. Bên cạnh đó, các cấp, ngành chức năng đã thực hiện đúng, đủ các quy định của nhà nước về thiết lập thủ tục hồ sơ giải quyết chính sách ưu đãi người có công. Theo thống kê, từ năm 2016 đến tháng 3/2018, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và giải quyết chính sách cho trên 24.700 lượt đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân được thụ hưởng chế độ chính sách; tổng mức chi trả trợ cấp cho các đối tượng là trên 1.200 tỷ đồng, thực hiện chi trả đầy đủ, chính xác số tiền của từng đối tượng được hưởng.
Cùng với việc giải quyết chính sách cho các đối tượng mới phát sinh, hàng năm tỉnh Ninh Bình đã duy trì thực hiện tốt chính sách và quản lý chặt chẽ đối tượng, tổ chức chi trả đúng, đủ, kịp thời các khoản trợ cấp, phụ cấp hàng tháng cho gần 24.000 lượt đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi, với số tiền trên 480 tỷ đồng/năm và trên 15.000 người hưởng trợ cấp một lần, với số tiền trên 34 tỷ đồng/năm, trong đó có trên 11.000 người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ hàng năm; trên 86.000 người hưởng ưu đãi bảo hiểm y tế (trong đó trên 35.000 người hưởng từ nguồn ngân sách Trung ương cấp và trên 50.000 người hưởng từ nguồn ngân sách địa phương cấp); trên 52.500 lượt đối tượng hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo; thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm và luân phiên hai năm một lần cho trên 11.000 người có công, trong đó mỗi năm tổ chức đưa đón gần 2.000 người có công đi điều dưỡng tập trung tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Đồ Sơn (Hải Phòng)... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công.
Nhằm hỗ trợ các gia đình người có công sửa chữa, nâng cấp nhà ở theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2017 và đầu năm 2018, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ cho 2.128 gia đình người có công sửa chữa, xây mới nhà ở với nguồn kinh phí hỗ trợ là 63,78 tỷ đồng (trong đó, xây mới cho 1.061 hộ, sửa chữa cho 1.067 hộ). Ngoài ra, các cấp, ngành trong tỉnh còn tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà tình nghĩa cho 201 hộ gia đình chính sách với số tiền trị giá trên 11,7 tỷ đồng, tặng xe lăn cho 10 thương binh; vận động ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" đạt trên 48 tỷ đồng, trong đó quỹ cấp tỉnh đạt trên 29 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên quan tâm, chú trọng việc xây dựng, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ. Hiện toàn tỉnh có 47 nghĩa trang liệt sỹ, 27 đài tưởng niệm liệt sĩ, 1 đền thờ liệt sỹ cấp tỉnh, 61 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 1 nhà tưởng niệm liệt sĩ. Hàng năm, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đều dành một khoản ngân sách nhất định để thực hiện nhiệm vụ xây mới, cải tạo, sửa chữa, xây vỏ mộ các nghĩa trang liệt sỹ, đài, bia tưởng niệm liệt sỹ. Ngoài ra, tỉnh tiếp nhận nguồn kinh phí từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để xây dựng, tôn tạo, sửa chữa các công trình ghi công liệt sỹ. Đến nay hầu hết các công trình được đảm bảo sạch đẹp, tôn nghiêm, trở thành công trình văn hóa, điểm đến tri ân của nhân dân. Vào các ngày lễ, tết, tỉnh và các địa phương đều tổ chức đoàn đại biểu đến đặt vòng hoa dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sỹ; tổ chức đoàn đại biểu của tỉnh đi viếng Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 và Điện Biên Phủ..., thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã ngã xuống, hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc.
Những việc làm thiết thực trên không chỉ góp phần cải thiện đời sống mà còn phát huy truyền thống nhân văn, làm ấm lòng các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 99,48% hộ gia đình chính sách có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng trở thành nét đẹp truyền thống của quê hương và là nghĩa cử cao đẹp của mỗi người dân Ninh Bình. Cũng chính sự quan tâm, giúp đỡ ấy đã trở thành động lực quan trọng để các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công nêu cao ý thức tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, gương mẫu, giáo dục con cháu thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Đinh Ngọc